Thị trường chứng khoán: Những lưu ý trong ngắn hạn
TTCK trong ngắn hạn có hai yếu tố mà nhà đầu tư nên quan tâm, đó là cuộc họp của Fed về việc có tiếp tục tăng lãi suất và tháng 7 tới sẽ là thời gian công bố kết quả kinh doanh quý 2.
>>Mua cổ phiếu theo dòng tiền lớn
Thanh khoản tăng vọt do đâu?
Sau 5 phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có phiên giao dịch ngày 8/6 giảm điểm vào phút chót, nhưng thanh khoản thị trường ghi nhận mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Cụ thể, thị trường giảm nhẹ song khối lượng giao dịch bứt phá mạnh, đạt gần 1,6 tỷ đơn vị. Giá trị giao dịch đạt hơn 27.300 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản một phiên cao nhất kể từ tháng 12/2022, cho thấy thị trường đang thu hút sự chú ý trở lại của người dân. Nhà đầu tư cũng bắt đầu sử dụng đòn bẩy nhiều hơn, họ muốn kiếm tiền trong ngắn hạn và các nhà đầu tư tổ chức cũng vậy, bên cạnh khối ngoại, kể cả các quỹ ngoại hoạt động tại Việt Nam nhiều năm vẫn miệt mài chốt lời sau khi đám đông dân cư quan tâm nhiều.
Đồng thời cho thấy trong suốt thời gian dài, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu được phản ánh. Trong đó có một loạt chính sách giảm lãi suất điều hành và gần đây, Ngân hàng Nhà nước có xu hướng bơm ròng nhiều hơn hút ròng, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khá dồi dào và lãi suất trên thị trường 2 duy trì ở mức thấp.
Vì vậy, thị trường đầu tiên phản ứng chính là TTCK. Riêng với nền kinh tế thực, các hoạt động sản xuất kinh doanh có phát triển bền vững hay không, thì chúng ta vẫn phải cập nhật vĩ mô hàng tháng.
Lý giải về việc thanh khoản tăng cao, giới phân tích cũng cho rằng, bên cạnh việc lãi suất giảm, dòng tiền trong nước dần quay trở lại TTCK, dấu hiệu dòng tiền trở lại thị trường còn được thể hiện ở lượng tài khoản mở mới. Thông tin từ trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 5/2023 đạt hơn 7,16 triệu tài khoản, tăng 104.966 tài khoản so với đầu tháng. Đây là tháng đầu tiên lượng tài khoản mở mới ở trên mức 100.000 sau 6 tháng, kể từ tháng 10/2022.
Mới đây quỹ PYN Elite Fund cũng đưa ra nhận định rằng “nhà đầu tư cá nhân bắt đầu chuyển tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán”.
>>Nhạy cảm thanh khoản, ngân hàng chưa giảm mạnh lãi suất
Lưu ý trong ngắn hạn
Có thể thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần thứ ba, lãi suất tiết kiệm, nhất là lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng với mức trần hiện nay là 5% đã tác động rất nhiều đến tâm lý của người dân. Thay vì tiền gửi tiết kiệm thì họ đang phải tìm các kênh có lợi suất cao hơn, trong bối cảnh kênh trái phiếu doanh nghiệp đang bị đóng băng.
Có ý kiến cho rằng, thanh khoản sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay bởi một lượng lớn sổ tiết kiệm đáo hạn, nhưng theo quan sát của tôi, giai đoạn chỉ số VN-Index giảm khoảng từ 1.040 điểm xuống 1.010 điểm thì thanh khoản cực kỳ thấp, thậm chí chỉ có 5.000 tỷ đồng một phiên. Ngược lại, khi thanh khoản vào giai đoạn chỉ số chứng khoán tăng điểm thường sẽ cao. Vì vậy, yếu tố nội tại, yếu tố tăng trưởng của TTCK quan trọng hơn so với lượng sổ tiết kiệm đến hạn vào cuối năm.
Nếu chúng ta chỉ hoàn toàn dựa vào yếu tố kĩ thuật thì nó luôn đi sau cơ hội, khi thị trường bật tăng cũng có một yếu tố kĩ thuật khác đó là khối lượng giao dịch được đẩy lên và sổ tiết kiệm chỉ là câu chuyện để kể cho 6 tháng cuối năm.
Từ đó cũng đặt ra vấn đề là liệu đến cuối năm, TTCK có cơ hội tăng trưởng và phát triển hay không? Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc các chính sách thẩm thấu vào nền kinh tế đến đâu. Nhưng trong thời gian ngắn hạn trước mắt, có hai vấn đề nhà đầu tư nên để ý đó là:
Thứ nhất, vào tuần tới, kỳ họp của Ủy ban thị trường mở FOMC của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra và công bố việc giữ nguyên hay tăng lãi suất. Trong đó, xu hướng hiện tại đã khác so với tuần trước và khả năng cao, mọi người đang kỳ vọng lãi suất sẽ được giữ nguyên.
Nếu Fed tăng lãi suất thì tình hình sẽ căng thẳng, nhưng tôi không kỳ vọng việc tăng lãi suất cũng giống như phần lớn các nhà đầu tư trên thế giới hiện tại.
Có một thông tin hỗ trợ đó là số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng lên, ảnh hưởng tích cực đến câu chuyện lạm phát tại Mỹ, trong khi với Fed, lạm phát là điều quan trọng nhất trong hiện tại.
Thứ hai, là sang tháng 7 tới sẽ công bố báo cáo tài chính quý 2 và có thể chúng ta sẽ không kỳ vọng quá nhiều vào triển vọng cũng như các con số được công bố.
Như vậy có thể nói, TTCK luôn luôn phản ánh trước nền kinh tế nhưng hiện tượng các tài khoản tăng kỷ lục cũng không phản ánh nền kinh tế tốt đẹp trở lại, bởi các yếu tố dẫn dắt nền kinh tế nằm ở các yếu tố khác, còn thanh khoản phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền ngắn hạn và đầu cơ. Nếu thanh khoản tăng trở lại mà kéo dài trong 6 tháng hoặc một năm thì đó mới là câu chuyện khác.
Có thể bạn quan tâm
“Ảm đạm” chứng khoán tháng 6?
16:40, 05/06/2023
Chứng khoán quốc tế: Thị trường mới nổi vẫn còn dư địa phục hồi
04:50, 04/06/2023
Chứng khoán tháng 6: Còn tác động của trái phiếu, rủi ro giảm đáng kể
05:00, 03/06/2023
Thị trường chứng khoán tháng 6: Tập trung vào định giá rẻ
04:55, 01/06/2023