Hành động của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nửa cuối 2023
Khi TTCK Việt Nam đã xác nhận xu hướng trở lại, nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp có định giá rẻ, chiếm lĩnh thêm thị phần sau khi kinh tế phục hồi và là Top đầu các ngành.
>>Chứng khoán toàn cầu và tiền điện tử trở lại xu hướng tích cực
Kinh tế thế giới dần hồi phục
Đến nay, những khó khăn của kinh tế thế giới vẫn còn nhưng đã “dễ thở” hơn rất nhiều so với thời gian trước. Nếu lo ngại lớn nhất của năm 2022 liên quan đến chiến tranh Nga - Ukraine, giá dầu tăng cao và lạm phát,... thì đến năm 2023, mối lo lớn nhất của các nhà đầu tư chỉ là khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng.
Hiện lạm phát Mỹ đã giảm mạnh so với thời điểm đạt đỉnh là 9,1% vào tháng 6/2022. Chúng tôi cho rằng, lạm phát đến tháng 6/2023 sẽ được công bố vào khoảng giữa tháng 7 tới và sẽ về còn mức khoảng 3%, thậm chí thấp hơn.
Như vậy, mức lạm phát của Mỹ cũng sẽ về gần mức thông thường và theo kỳ vọng của chính phủ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Từ đó cũng bớt áp lực nên các nền kinh tế khác ngoài Mỹ. Nhanh nhất là cuối 2023 hoặc đầu năm 2024, có thể Fed sẽ bắt đầu đảo ngược chính sách và giảm lãi suất cho hệ thống của họ.
Còn về tăng trưởng kinh tế thế giới, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu tích cực như: Thứ nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 2,1% từ mức 1,7% đưa ra hồi tháng 1 năm nay. Điều đó thể hiện đánh giá của WB về nền kinh tế thế giới đã trở lại tốt hơn.
Thứ hai, WB cũng cho rằng Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã phục hồi mạnh hơn so với kỳ vọng của họ, nghĩa là nguy cơ suy thoái hiện nay còn giảm so với trước đây do kinh tế Mỹ mạnh hơn những gì dự báo.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 hiện được WB dự báo ở mức 1,1%; nếu đạt được con số này thì Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái, vì nó cao hơn gấp đôi so với mức đưa ra vào tháng 1/2023.
Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến là 5,6% và đây chính là động lực tăng trưởng lớn nhất cho nền kinh tế thế giới, cao hơn so với dự báo 4,3% nhờ vào việc Trung Quốc đã mở cửa sau Covid-19 một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên có một điểm tiêu cực cần chú ý là WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 còn 2,4% từ mức 2,7% trước đó. Đồng nghĩa với việc sự trở lại năm 2024 sẽ tương đối chậm. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguyên lý bù trừ. Nếu năm 2023 tăng trưởng thấp thậm chí âm, thì năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh và ngược lại.
Thực tế, những dự báo của WB hay các tổ chức hàng đầu thế giới cũng thường xuyên được cập nhật và thay đổi chứ không cố định, dựa trên số liệu hiện có của họ.
Như vậy, kinh tế thế giới có thể trở lại tốt hơn mà Việt Nam là nước có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP cao hàng đầu thế giới, khi thế giới ổn hơn thì Việt Nam có thể hưởng lợi hơn một chút cho cuối năm 2023 và năm 2024.
>>Vượt rủi ro thanh khoản năm 2023
Thị trường chứng khoán hưởng lợi
Về diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK), trước tiên chúng ta thường đánh giá thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó chỉ số Down Jones hiện đang ở mức 34.513 điểm, là mức gần đỉnh lịch sử vào đầu năm 2022 (khoảng 35.500 điểm).
Bên cạnh đó, diễn biến TTCK các nước khác cũng rất tích cực, như TTCK Nhật Bản, một số nước châu Âu, hay những nước như Indonesia, Ấn Độ,...
Quay trở lại TTCK Việt Nam, năm 2022 là một năm TTCK mất mát lên tới 33 - 34% và là một trong ba thị trường trên thế giới giảm sâu nhất. Có thể thấy, trước quý 4/2022, mọi thứ đều rất tốt, nhưng riêng chứng khoán diễn biến xấu. Qua nghiên cứu đánh giá, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính không phải là từ tác động thế giới mà từ nội tại của nền kinh tế và yếu tố giảm có nhiều tính bất ngờ, như khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp và thanh khoản hệ thống ngân hàng...
Từ đầu năm 2023 đến nay, TTCK Việt Nam đã tăng hơn 10%, thanh khoản có sự cải thiện rõ rệt và ổn định hơn. Chúng tôi tin rằng, thị trường sẽ tiếp tục duy trì thanh khoản cao và phát triển tốt do lãi suất đang giảm, sẽ tiếp tục giảm, đồng thời cung tiền cũng dần nhiều hơn.
Ngoài ra, dòng tiền từ việc gửi ngân hàng với lãi suất cao giai đoạn cuối năm 2022 sẽ bắt đầu trở về sau khi lãi suất huy động giảm mạnh. Vì vậy một phần dòng tiền sẽ chảy ra các kênh tài sản trong đó có cổ phiếu và bất động sản. Mức thanh khoản này sẽ được duy trì cao chứ không phải mức đột ngột và sau đó giảm, điều đó cũng sẽ tạo ra sự an tâm hơn cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Đặc biệt trong tháng 5 vừa qua, thị trường ghi nhận sự tăng đột biến của các nhà đầu tư mở mới tài khoản, tăng gấp 4 - 5 lần so với tháng 4/2023. Ngoài ra, margin tại các công ty chứng khoán cũng tăng trở lại, theo khảo sát của chúng tôi tại 5 công ty trong Top 10, mức tăng khoảng 30 - 40% và lượng tiền nhà đầu tư chuyển vào cũng đã tăng khá mạnh.
Từ những yếu tố trên, chúng tôi đánh giá TTCK đến cuối năm 2023 và 2024 có cơ hội lớn hơn so với rủi ro khá nhiều. Điều kiện để thị trường tăng trưởng, phát triển gồm điều kiện cần là định giá hấp dẫn và nền kinh tế dần trở lại, tâm lý nhà đầu tư ổn định cũng như dòng tiền lớn vào thị trường.
Về định giá cổ phiếu đã trở về mức 13,3 lần P/E với nguyên nhân đến từ: Một là, VN- Index phục hồi từ đáy 850 điểm lên hơn 1.100 điểm, như vậy phục hồi khoảng 270 điểm, tương đương với mức gần 30% so với đáy. Xét P/E trung bình thì 5 - 7 năm gần đây là 16 lần, như vậy chúng ta thấy định giá vẫn rẻ hơn và nguyên nhân nữa là do kết quả kinh doanh quý 4/2022 và cuối 1/2023 suy giảm khá mạnh.
Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh quý 3/2023 sẽ tăng trưởng trở lại, khi đó P/E sẽ được điều chỉnh thấp hơn và kết quả lợi nhuận cả năm 2023 có thể tăng trưởng 7-10%, đặc biệt quý 4/2023 có thể sự tăng trưởng lợi nhuận sẽ bùng nổ so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai là, về định giá P/B, hiện tại đang ở mức 1,67 và vẫn là mức thấp, ở đáy so với cả giai đoạn khó khăn 2014-2015, còn trung bình là ở mức 2,2 lần, như vậy nó thấp hơn khoảng 25% so với trung bình.
P/B cho cuối năm nay dự kiến chỉ còn khoảng 1,5 lần nếu VN-Index giữ nguyên, nghĩa là mức định giá lại về vùng đáy của năm 2020 cũng như của tháng 11/2022.
Theo Trading Economics dự báo, tăng trưởng quý 2/2023 của Việt Nam tương đối thấp khoảng 3,5% nhưng cũng cao hơn so với mức 3,32% của quý 1, đến quý 3 sẽ trở lại mức 6%, quý 4 là 6,5%. Chúng tôi rất lạc quan rằng, quý 4 tới đây, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng lên 7-7,5%, khi đó nền kinh tế của sẽ được xác nhận là trở lại tương đối tốt.
Thêm vào đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam hiện nay khoảng 3,05%, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (3,8%). Đây được xem là điều hiếm có, nhưng cũng phản ánh sự thật về lạm phát của Việt Nam rất thấp.
Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tích cực triển khai việc hạ lãi suất điều hành và đây cũng là lần hiếm hoi Việt Nam đi trước nền kinh tế thế giới. Tất cả là nhờ chúng ta kiểm soát lạm phát tốt, ngân sách thu tốt, nợ công thấp, tỷ giá ổn định, cho nên làm được những điều tưởng như rất khó.
Dự báo cuối năm nay, lãi suất điều hành của NHNN sẽ về mức thấp kỷ lục như giai đoạn 2021-2022, khi đó, giá của tiền sẽ trở nên rẻ hơn và kích thích người vay, kích thích tiêu dùng, đầu tư,... giúp kinh tế có thể tăng trưởng trở lại một cách tốt hơn trong những năm tiếp theo. Mặc dù vậy, vẫn phải phụ thuộc vào kinh tế thế giới một phần chứ không thể tự quyết hoàn toàn.
Hành động của nhà đầu tư
Từ bối cảnh của thế giới và Việt Nam, thì hành động của nhà đầu tư trong nửa cuối năm 2023 sẽ là gì?
Thứnhất, chúng ta cần phân bổ ngân sách cho cổ phiếu từ 20 - 50% tài sản tùy vào sự hiểu biết và chiến lược của mỗi người về thị trường. Ví dụ, với nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể phân bổ 50%, còn nhà đầu tư không chuyên nghiệp thì nên nắm giữ từ 10 - 20% cổ phiếu.
Thứ hai, TTCK điều chỉnh sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu rất tốt. Ví dụ trong phiên ngày 15-16/6 có những cổ phiếu tốt điều chỉnh chính là cơ hội tích lũy phù hợp. Khi chúng ta đã xác định cơ hội lớn hơn rủi ro, định giá hấp dẫn, xu hướng thị trường gần như xác nhận trở lại, trừ những trường hợp “thiên nga đen” xảy ra thì khi đó mọi thứ có thể đảo ngược. Nhưng nếu điều đó không xảy ra thì TTCK Việt Nam sẽ trở lại rất ấn tượng.
Thứ ba, tập trung vào những doanh nghiệp có định giá rẻ, chiếm lĩnh thêm thị phần sau khi kinh tế trở lại và là Top đầu các ngành.
Một lưu ý nữa đó là TTCK phân hóa mạnh, không phải cổ phiếu nào, ngành nào cũng định giá hấp dẫn, bởi vì giai đoạn vừa qua có rất nhiều cổ phiếu định giá đắt. Có những ngành mà P/E lên đến 22-23 lần, nhưng nhìn chung định giá TTCK rẻ, chúng ta cần phải tập trung nghiên cứu kỹ để tìm ra những ngành có định giá hấp dẫn hơn khi TTCK đi lên. Cổ phiếu nào được định giá hấp dẫn sẽ tăng trưởng bền hơn, dài hơn với rủi ro thấp hơn.
Mặc dù thị trường đang nghiêng về xu hướng tích cực, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh một số rủi ro thị trường có thể vướng phải hiện nay là bất ổn địa chính trị trên thế giới, chiến tranh Nga - Ukrain có thể phức tạp hơn. Hay việc đối đầu giữa các nước nhóm G7 với nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) chiếm khoảng 60% dân số thế giới và 40% nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, cũng có thêm một số rủi ro khác trong nước liên quan đến bất động sản còn khó khăn và một số vấn đề khác mà chúng ta không lường trước được.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán toàn cầu và tiền điện tử trở lại xu hướng tích cực
05:00, 18/06/2023
Chủ tịch UBCKNN tham dự Hội nghị các Uỷ ban Chứng khoán(IOSCO) Châu Á-Thái Bình Dương
01:34, 15/06/2023
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 6/2023?
16:00, 12/06/2023