Hợp đồng quyền chọn hàng hóa: Công cụ bảo hiểm giá cần thiết

DIỄM NGỌC 20/06/2023 12:45

Ngày 26/6/2023 tới đây, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) sẽ chính thức triển khai giao dịch các hợp đồng quyền chọn đối với tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cả nước.

>>Nhiều biến số tác động đến thị trường dầu thô năm 2023

Công cụ bảo hiểm rủi ro hiệu quả   

Trên thị trường giao dịch hàng hóa tập trung, hợp đồng quyền chọn là công cụ hiệu quả để bảo hiểm rủi ro cho các bên tham gia thị trường. Đối với bên mua quyền, họ có quyền thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng đã giao kết.

Trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại đều sử dụng các công cụ bảo hiểm giá

Trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại đều sử dụng các công cụ bảo hiểm giá

Khoản phí quyền chọn thực chất là khoản tiền để bảo hiểm rủi ro cho bên mua quyền. Trong trường hợp giá hàng hóa biến động mạnh, họ sẽ chỉ chịu rủi ro khoản phí quyền chọn, mà không phải chịu toàn bộ rủi ro từ giá trị hợp đồng.

Trong khi đó, bên bán cũng được lợi từ hợp đồng quyền chọn. Khi giá hàng hóa biến động không quá mạnh và không vượt quá phí quyền chọn mà họ được nhận thì họ sẽ được lợi. Đồng thời, nếu sự biến động thị trường theo hướng bất lợi thì khoản tiền bán quyền thu được sẽ bù đắp cho họ một phần rủi ro. Như vậy, hợp đồng quyền chọn là công cụ bảo hiểm rủi ro cho cả hai bên khi thực hiện việc mua hàng hóa trong tương lai thông qua Sở Giao dịch hàng hóa.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết, trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại đều sử dụng các công cụ bảo hiểm giá. Trong đó, hợp đồng quyền chọn là công cụ được dùng phổ biến hơn so với các loại hợp đồng khác.

Hợp đồng quyền chọn giúp người mua xác định cụ thể được mức rủi ro tối đa khi tham gia vào thị trường; sử dụng các chiến lược giao dịch, kết hợp nhiều giao dịch với nhau để giới hạn cả mức rủi ro và lợi nhuận trong một phạm vi nhất định. 

Tương tự, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đánh giá, bảo hiểm giá - bảo hiểm rủi ro gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Chúng ta cần học hỏi những công cụ mà thế giới đã áp dụng thành công hàng chục năm qua.

“Chúng ta không nên hiểu bảo hiểm giá là đi mua bảo hiểm, vì không một công ty bảo hiểm nào đứng ra mua. Thực chất, việc sử dụng công cụ phòng vệ giá bằng những hợp đồng như hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch. Ở đây không phải là có cần thiết hay không, mà doanh nghiệp muốn tham gia thì phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về trình độ, nghiệp vụ phân tích, dự báo, trong khi việc này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được”, PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.

>>Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Cần thêm “bảo hiểm rủi ro”

Tập huấn giao dịch quyền chọn

Trước khi chính thức triển khai giao dịch hợp đồng quyền chọn vào ngày 26/6/2023, MXV đã tổ chức buổi tập huấn đối với toàn bộ 33 Thành viên thị trường vào chiều 19/6/.

Buổi tập huấn có sự tham dự của Ban lãnh đạo, MXV và lãnh đạo của toàn bộ các Thành viên đang hoạt động trên thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

Buổi tập huấn có sự tham dự của Ban lãnh đạo, MXV và lãnh đạo của toàn bộ các Thành viên đang hoạt động trên thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

Tại buổi tập huấn, ông Vũ Xuân Quyết, Trưởng Bộ phận Quản lý giám sát giao dịch MXV đã phổ biến tới toàn bộ Thành viên các nội dung liên quan tới Hợp đồng quyền chọn như: quản trị giao dịch quyền chọn; quản lý Trader trên hệ thống M-System; cách triển khai giao dịch và phí giao dịch. 

Để phục vụ cho việc quản trị giao dịch một cách hiệu quả; MXV đã nghiên cứu, bổ sung các tính năng mới trên hệ thống M-System dành riêng cho giao dịch quyền chọn; giúp các Thành viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng quản lý danh mục đầu tư của mình.

Phó Tổng giám đốc MXV cũng chia sẻ: “Về cơ bản, các Thành viên đều đã nắm được các cập nhật mới trên hệ thống. Dựa vào thực tiễn triển khai giao dịch, MXV sẽ tiếp tục có những nâng cấp trong thời gian tới, để hỗ trợ hoạt động giao dịch hợp đồng quyền chọn nói riêng, và giao dịch hàng hóa nói chung ngày càng ổn định và hiệu quả”.

Về Hợp đồng quyền chọn, theo khoản 3 điều 64 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó”.

Các vị thế mua và bán trong giao dịch hợp đồng quyền chọn

Các vị thế mua và bán trong giao dịch hợp đồng quyền chọn

Luật Thương mại năm 2005 và các nghị định hướng dẫn khác đã quy định các chủ thể có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng quyền chọn cũng giống như hợp đồng kỳ hạn, cụ thể bao gồm: khách hàng, thành viên kinh doanh, thành viên môi giới, trung tâm thanh toán và trung tâm giao nhận của Sở Giao dịch hàng hóa.

Đối tượng của hợp đồng quyền chọn không phải hàng hóa, mà là quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán đối với hàng hóa. Quyền này cho phép người mua có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, được mua hoặc bán: (i) một số lượng xác định các loại hàng hóa; (ii) tại hay trước một thời điểm xác định trong tương lai; (iii) với một mức giá xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng.

Trong hoạt động giao dịch thực tế, có 2 loại quyền chọn phổ biến là quyền chọn kiểu Mỹ và quyền chọn kiểu châu Âu. Quyền chọn kiểu Mỹ là dạng quyền chọn cho phép người nắm giữ có thể thực hiện quyền chọn vào bất kỳ thời điểm nào trước hoặc trong ngày đáo hạn. Quyền chọn kiểu châu Âu là dạng quyền chọn mà người nắm giữ chỉ được thực hiện quyền trong ngày đáo hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Công cụ bảo hiểm giá bảo vệ doanh nghiệp xăng dầu

    16:00, 14/04/2022

  • Doanh nghiệp xăng dầu nên sử dụng bảo hiểm giá

    03:00, 19/02/2022

  • “Nóng” vấn nạn mũ bảo hiểm giá rẻ kém chất lượng

    04:20, 09/11/2020

DIỄM NGỌC