Margin tăng, có rủi ro "bom nợ" trên thị trường chứng khoán?
Tỷ lệ nợ vay/vốn hóa TTCK Việt Nam đang cho thấy vốn hóa thị trường ở mức thấp, tiềm ẩn rủi ro, cần nâng quy mô vốn hoá thông qua việc niêm yết thêm nhiều doanh nghiệp mới.
>>Hành động của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nửa cuối 2023
Tỷ lệ nợ vay/vốn hóa đang ở mức cao
Theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, tỷ lệ nợ vay/vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) có dấu hiệu tăng trở lại trong quý 1/2023, do nợ vay đã có khuynh hướng tăng trở lại.
Đỉnh điểm cao nhất của tỷ lệ này là 2,62% trong quý 3/2022, đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán kéo dài đà giảm thêm trong quý 3 và quý 4/2022, nhưng thời điểm margin tăng lên một phần chủ yếu là do nhà đầu tư cố gắng trung bình giá bằng margin và một phần lượng các “deal” đỡ giá cổ phiếu của mình.
Tỷ lệ nợ vay/vốn hóa được xem là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá rủi ro của các thị trường và tỷ lệ này luôn neo ở mức cao kể từ quý 3/2021, nguyên nhân chủ yếu là lượng margin trên thị trường đã gia tăng trong năm 2021 do việc tăng vốn của các CTCK và sự gia nhập của các CTCK nước ngoài.
Chưa kể, tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng chiếm hơn 90% trong năm 2021 cho nên margin được xem là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Tỷ lệ nợ vay/vốn hóa của TTCK Việt Nam hiện nay cũng đang trên 2%. Đối với TTCK Mỹ, tỷ lệ nợ vay/vốn hóa đang ở mức 1,6% (tính đến tháng 5/2023).
Vị chuyên gia cho rằng tỷ lệ nợ vay/vốn hóa hiện nay chưa đáng ngại với lý do sau: Thứ nhất, tỷ lệ vốn điều lệ/nợ vay của các CTCK đang ở mức thấp (dưới mức đáy năm 2020) trong bối cảnh các CTCK đã tăng vốn mạnh trong thời điểm năm 2021-2022. Như vậy, dư địa nguồn vốn để hỗ trợ cho margin vẫn còn rất lớn.
Thứ hai, chất lượng các khoản margin hiện nay vẫn khá an toàn vì các CTCK cũng đang e ngại rủi ro trong hoạt động cho vay. Thông thường, nhóm bất động sản (BĐS) chiếm tới 40-45% dư nợ margin của các CTCK, nhưng sau cú đổ vỡ năm 2022 của nhóm BĐS thì nhiều CTCK đã hạn chế cho vay ở nhóm này và việc tăng dư nợ thực tế ở nhóm này vẫn còn thấp ở thời điểm hiện tại. Tất nhiên, lượng margin ở nhóm BĐS cũng đang có khuynh hướng tăng lại trong thời gian gần đây, nhưng chưa ở mức cao.
“Tuy nhiên, nhìn trên tỷ lệ nợ vay/vốn hóa này cho thấy một điều là vốn hóa thị trường đang ở mức rất thấp, nó cũng tiềm ẩn rủi ro và phản ánh chất lượng hàng hoá niêm yết trên TTCK Việt Nam. Do đó, có thể thấy TTCK Việt Nam cần nâng quy mô vốn hoá thông qua việc niêm yết thêm nhiều doanh nghiệp mới, khi những năm vừa qua việc niêm yết mới rất thấp và hoạt động cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước cũng đang chậm lại”, ông Nguyễn Thế Minh nói.
>>Kiến tạo pháp lý, chính sách để mở cửa thị trường vốn
“Nóng” cuộc đua tăng vốn
Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, hàng loạt công ty chứng khoán đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ với mức tăng rất lớn.
Tính tới cuối năm 2022, CTCK VPBank là đơn vị có vốn điều lệ cao nhất sàn, với 15.000 tỷ đồng, đứng thứ hai là CTCK SSI, thứ ba là CTCK VNDIRECT… Bước sang năm 2023, khi các cổ phiếu dần hồi phục, thị trường có dấu hiệu cải thiện thanh khoản, một lần nữa cuộc đua tăng vốn điều lệ nóng trở lại.
Điển hình như CTCK Kỹ thương (TCBS) đưa ra mục tiêu trọng tâm là phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, qua đó nâng vốn chủ sở hữu lên mức 21.000 tỷ đồng; CTCK Tiên Phong (TPS) cũng lên phương án phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng; CTCK MB (MBS) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỉ đồng...
Hay CTCK VNDIRECT đang lên kế hoạch tiếp tục chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 2.435,7 tỷ đồng. Trong đó, mục đích chào bán nhằm tăng quy mô hoạt động để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn vốn trên thị trường, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho rằng, giai đoạn năm 2021 khi thị trường tăng quá mạnh, nhà đầu tư vào quá nhiều thì các công ty chứng khoán đã tăng vốn rất mạnh. Còn thời điểm này, việc tăng vốn vẫn đang trong kế hoạch và phải được phê duyệt bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
“Tôi không nghĩ rằng có thể được dễ dàng thông qua nhanh chóng. Theo đó, một số công ty chứng khoán sẽ lập kế hoạch đến năm 2024, nhưng với bối cảnh thị trường như hiện tại, rủi ro cổ phiếu, niềm tin của người dân trên thị trường chứng khoán nói chung, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm tài chính khác như bảo hiểm, đầu tư còn đang yếu; thì việc được thông qua các đợt tăng vốn của các công ty chứng khoán sẽ còn cần nhiều thời gian và cần nhiều biện pháp soát xét, đánh giá nữa, vì vậy sẽ không thể nhanh được. Còn việc công ty chứng khoán muốn chiếm lĩnh thị phần muốn phát triển và chờ đợi sự tăng trưởng của thị trường tài chính thì việc tăng vốn là đương nhiên”, ông Long lý giải.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh bày tỏ, thực tế ra các công ty chứng khoán đã tăng vốn mạnh thời gian qua rồi, nên ngành cần tăng vốn hiện nay chính là ngân hàng, để bổ sung bộ đệm vốn và cần niêm yết thêm các doanh nghiệp lớn khác như nhóm viễn thông, để giảm bớt sự ảnh hưởng của BĐS.
Có thể bạn quan tâm
Hành động của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nửa cuối 2023
12:00, 20/06/2023
Chứng khoán toàn cầu và tiền điện tử trở lại xu hướng tích cực
05:00, 18/06/2023
Chủ tịch UBCKNN tham dự Hội nghị các Uỷ ban Chứng khoán(IOSCO) Châu Á-Thái Bình Dương
01:34, 15/06/2023