Rộng cửa cho doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán

DIỄM NGỌC 19/07/2023 11:59

Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, thì còn cần giúp các doanh nghiệp hiểu được tính minh bạch và tác dụng khi gia nhập TTCK, đó cũng là giải pháp căn cơ lâu dài.

>>Nỗ lực hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới “èo uột”

Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.

Toạ đàm “Tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”

Toạ đàm “Tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”

Việc tham gia TTCK khi đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu.

Trong 3 năm vừa qua, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch) còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài “sân chơi” bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến TTCK không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan là khó khăn của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp và các thành viên tham gia thị trường.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho biết, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen, trong đó mảng tối dường như chiếm ưu thế.

“Về câu chuyện thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng hóa, niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường, tôi cho rằng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các Sở giao dịch đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung.

Tuy nhiên, sự trầm lắng về số lượng "tân binh" có nhiều nguyên nhân, đơn cử bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại. Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc hạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm. Nhìn chung, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay”, ông Phan Quốc Huỳnh đánh giá.

Tương tự, theo bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng tư vấn, CTCK Mirae Asset Việt Nam, TTCK Việt Nam hiện nay chưa đa dạng về các loại hàng hóa. Số lượng nhà đầu tư các năm qua tăng trưởng nhưng lượng hàng hóa lại chưa đủ để cung cấp. “Tôi cho rằng, quan trọng là bản thân các doanh nghiệp đang chưa nắm rõ về lợi ích, cũng như điều kiện để niêm yết trên sàn. Bản thân một số doanh nghiệp quy mô lớn mà không có nhu cầu niêm yết vì họ cảm thấy bị "đánh đồng" với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch. Trong nhưng năm vừa qua, có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp niêm yết chung. Tôi cho rằng, đó là nguyên nhân chính của hiện trạng này”.

>>Lượng tài khoản chứng khoán tăng vọt: Nhà đầu tư lạc quan trở lại?

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Võ Thanh Tuấn, Trưởng phòng đăng ký chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) nhận xét: “Tôi nhận thấy hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng như tổ chức phát hành chưa nắm bắt dc các quy định khi đăng ký chứng khoán niêm yết. Các doanh nghiệp trước khi muốn lên sàn nên tìm hiểu trước các quy định.

Thị trường chứng khoán đang rơi vào giai đoạn gián đoạn hàng hóa

Thị trường chứng khoán đang rơi vào giai đoạn gián đoạn hàng hóa

Trên cơ sở Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155, thông tư 119 của Bộ Tài chính... đều dc xây dựng một cách kịp thời để đảm bảo sự phát triển của thị trường. Vì vậy, VSD luôn lắng nghe ý kiến của các thành tham gia thị trường để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như giúp quá trình niêm yết diễn ra thuận lợi hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ về các mốc thời gian trong quá trình niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường”.

Từ góc độ là đơn vị tư vấn doanh nghiệp, ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam phân tích, theo thống kê hai năm gần nhất là năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, chúng ta “đếm trên đầu ngón tay” hồ sơ các doanh nghiệp được chấp thuận công ty đại chúng. Đây có thể xem là một giai đoạn gián đoạn hàng hóa trên TTCK.  

Do đó, có một số vấn đề chúng ta cần làm rõ như sau: Thứ nhất, thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã đủ điều kiện theo quy định để trở thành công ty đại chúng, nhưng lại không được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận, do quá trình tăng vốn của doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ, đã xảy ra trong quá khứ mà không thể sửa được. Có doanh nghiệp thành lập từ năm 2007, đến nay đã 15 lần tăng vốn nhưng không thông qua ngân hàng nên bị loại trừ.

Thứ hai, là báo cáo kiểm toán. Về báo cáo tài chính, đơn vị kiểm toán sẽ không nhận được việc tăng vốn qua ngân hàng và xác nhận góp vốn bằng tiền mặt thì đây sẽ là điểm ngoại trừ. Vậy những doanh nghiệp đã có trên 100 cổ đông nắm giữ 15% cổ phần, vốn góp trên 30 tỷ đồng, được kiểm toán nhưng vẫn nằm “chơi vơi”.

Các đơn vị kiểm toán có vai trò tư vấn doanh nghiệp, nhưng cứ sai là loại trừ thì doanh nghiệp cũng không thể xem xét hồ sơ đại chúng. Hiện tượng này xảy ra sẽ an toàn cho công ty kiểm toán, nhưng doanh nghiệp không lên được sàn. Vậy chúng ta phải làm sao để đúng quy định của một kế toán, kiểm toán nhưng vẫn hỗ trợ cho doanh nghiệp thì đó mới là người làm kiểm toán chân chính.

“Trong hơn 15 năm làm công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, chúng tôi hiểu doanh nghiệp đang thiếu ở đâu, cần bổ sung những gì, từ đó dễ dàng giải quyết những trăn trở của ban lãnh đạo doanh nghiệp khi hướng đến việc đại chúng hóa, niêm yết trên sàn.

Có thể nói, ngoại trừ những doanh nghiệp Nhà nước, thì 99% doanh nghiệp tư nhân chưa đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng để lên sàn mà phải trải qua một quá trình tái cấu trúc. Thậm chí có những doanh nghiệp “né” thuế, mua hóa đơn, tăng chi phí, giảm doanh thu, đỡ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... Chính vì vậy, những tổ chức trung gian phải làm cho doanh nghiệp hiểu được tính minh bạch và tác dụng khi gia nhập TTCK, khi đó họ mới làm theo và đó cũng là giải pháp căn cơ cho thị trường trong lâu dài.

Ngoài ra doanh nghiệp phải có lộ trình, không thể nói tái cấu trúc là làm ngay được, có những doanh nghiệp phải mất rất nhiều năm, từ công ty trách nhiệm hữu hạn, chuyển lên cổ phần, rồi sau đó mới tái cấu trúc để đủ điều kiện lên sàn”, ông Bùi Đình Như nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Nỗ lực hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam

    05:30, 19/07/2023

  • Rủi ro cần lưu ý trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm

    11:17, 14/07/2023

  • Lượng tài khoản chứng khoán tăng vọt: Nhà đầu tư lạc quan trở lại?

    14:42, 10/07/2023

  • “Thời điểm vàng” đầu tư chứng khoán

    12:00, 08/07/2023

DIỄM NGỌC