Khối ngoại "đổ tiền" mua cổ phiếu CTG

DƯƠNG THUỲ 08/08/2023 05:22

Cổ phiếu CTG -Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục vượt đỉnh với khối lượng khớp lệnh lên tới 13 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 370 tỷ đồng/ phiên.

 >>>Động lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng

Đây là phiên CTG có giá trị giao dịch lớn nhất trong vòng 08 tháng qua.

Cổ phiếu CTG chính thức vượt đỉnh trong phiên giao dịch ngày

Cổ phiếu CTG chính thức vượt đỉnh trong phiên giao dịch ngày 7/8/2023

Phiên giao dịch ngày 7/8, cổ phiếu CTG được khối ngoại tiếp tục mua vào với hơn 1,1 triệu đơn vị và cũng là cổ phiếu ngân hàng duy nhất hút dòng vốn ngoại trong rổ VN30.

CTG vừa công bố báo cáo tài chính quý 2, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 12.530 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng quý 2, CTG lãi trước thuế 6.550 tỷ đồng tăng 13,2%. Có thể nói, đây là quý tăng trưởng lợi nhuận thứ tư liên tiếp của CTG và cũng là mức lợi nhuận theo quý lớn nhất kể từ quý 2/2021.

Trong 06 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của CTG tăng 14,7% so với nửa đầu năm 2022, lên mức kỷ lục 25.424 tỷ đồng và chiếm gần 73% tổng thu nhập hoạt động. Sự gia tăng của thu nhập lãi thuần là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng

Theo các chuyên gia phân tích, nhìn vào cấu trúc của thu nhập lãi thuần, thu từ lãi và các nguồn thu tương tự của CTG tăng 41,7% lên gần 66.877 tỷ đồng. Trong khi số tiền lãi mà ngân hàng trả cho các khoản tiền gửi và các khoản chi phí tương tự là hơn 41.453 tỷ đồng, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chi phí vốn của CTG tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cao cho các khoản tiền gửi huy động từ cuối năm 2022. Dự kiến trong một vài quý tới, áp lực chi phí vốn của CTG sẽ giảm dần khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn, và được thay thế bằng các khoản tiền gửi có lãi suất thấp hơn.

>>> Cổ phiếu CTG "hút tiền" sau thông tin kết quả kinh doanh tăng trưởng

Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều mảng kinh doanh khác của CTG cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong 06 tháng đầu năm. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 33,3% lên 3.785 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 47,1% mang về 2.349 tỷ đồng. Riêng mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận khoản lãi thuần gần 230 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ 2022; chứng khoán đầu tư lãi gần 17 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2022 lỗ gần 2 tỷ đồng. Ngược lại, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của CTG  giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước xuống còn gần 188 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm hơn 6%, với hơn 2.798 tỷ đồng.

Như vậy tổng hợp các mảng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của CTG tăng 15,9% đạt 34.790 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 11,9%, giúp lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 17,4% lên mức 25.733 tỷ đồng, CTG  đã trích thêm 13.202 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ chi phí dự phòng và thuế, ngân hàng  lãi sau thuế 10.095 tỷ trong nửa đầu năm, tăng 7,6%.

Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của CTG đạt hơn 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,9% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng ở mức gần 1,36 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,6%. Tiền gửi khách hàng tăng 4,9%, lên hơn 1,31 triệu tỷ đồng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 18,7%.

Trong 06 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của CTG tăng thêm 9,5% lên mức 17.309 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng tăng từ 1,24% hồi đầu năm lên mức 1,27%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 188% xuống còn 169%. Đánh giá về nợ xấu của CTG, các chuyên gia MBS cho rằng, áp lực nợ xấu này đối với ngành ngân hàng nói chung và CTG nói riêng vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2023 do những dấu hiệu gia tăng rủi ro thanh khoản từ thị trường bất động sản và trái phiếu cũng như suy yếu trong hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, MBS kỳ vọng tác động từ Thông tư 02/2023 về tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của CTG tăng trong mức kiểm soát và giảm trong những năm sau 2023.

Các chuyên gia MBS cũng cho rằng mặc dù ĐHCĐ thường niên 2022 của CTG đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ, ngân hàng này vẫn chưa hoàn thành kế hoạch chia cổ tức. Dự phóng dựa trên kịch bản CTG sẽ hoàn thành kế hoạch nâng vốn điều lệ lên mức 53.700 tỷ đồng vào năm 2024, MBS  đưa ra các dự báo chỉ tiêu trong năm 2023 ra như sau: Tăng trưởng tín dụng của CTG đạt 10%, dựa trên tương quan tăng trưởng tín dụng trước đó, của CTG với trung bình ngành ngân hàng, theo đó tăng trưởng huy động cả năm đạt 8,0% NIM ước tính đạt 2,94% do ảnh hưởng của lãi suất tăng cao phản ánh vào chi phí vốn nửa đầu năm 2023, tuy nhiên được kỳ vọng hồi phục vào nửa cuối năm.

MSB dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2023 cho CTG đạt mức 18.140 tỷ đồng, tăng 8,13%  năm 2022. Tổng tài sản của ngân hàng tăng 6,5%, phù hợp với kế hoạch của CTG mục tiêu tăng trưởng tài sản 5% - 10%, do vậy nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu CTG cho mục đích dài hơi từ nay đến cuối năm 2023 khi kế hoạch tăng vốn của ngân hàng lên 53.700 tỷ đồng theo Nghị quyết HĐQT đã thông qua…

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu ACB dẫn đầu thanh khoản trong rổ VN30 nhờ đâu?

    Cổ phiếu ACB dẫn đầu thanh khoản trong rổ VN30 nhờ đâu?

    05:29, 07/08/2023

  • Cổ phiếu vốn hóa lớn và tác động thanh khoản thấp lên thị trường

    Cổ phiếu vốn hóa lớn và tác động thanh khoản thấp lên thị trường

    13:00, 07/08/2023

  • Áp dụng công nghệ trong đầu tư cổ phiếu

    Áp dụng công nghệ trong đầu tư cổ phiếu

    05:30, 06/08/2023

  • Thị giá bật mạnh, cổ phiếu bất động sản có còn dư địa tăng trưởng?

    Thị giá bật mạnh, cổ phiếu bất động sản có còn dư địa tăng trưởng?

    05:30, 05/08/2023

DƯƠNG THUỲ