“Dò sóng” cổ phiếu lúa gạo
Giá xuất khẩu lúa gạo liên tục tăng cộng với thị trường Trung Quốc mở cửa, Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo, đã tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
>>>Doanh nghiệp mong xuất khẩu gạo ổn định hơn là giá cao
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu lúa gạo nào cũng sẽ tăng điểm trước thông tin nói trên. Do đó, các nhà đầu tư cần có sự sàng lọc cẩn trọng để tránh rủi ro.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo bội thu
Giá xuất khẩu gạo trung bình liên tục tăng từ đầu năm 2023. Tính riêng tháng 6, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam đạt gần 552 USD/tấn, tăng xấp xỉ 9% so với đầu năm và cũng là mức cao nhất trong lịch sử ngành gạo. Thị trường xuất khẩu gạo đang diễn ra sôi động hơn nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường chính như Philippines, Trung Quốc và Indonesia và Ấn Độ.
Thực tế trên đã giúp kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp gạo đạt mức cao nhất trong lịch sử. Điểm sáng nổi bật nhất của ngành thuộc về Tập đoàn CP Lộc Trời (LTG), “ông lớn” này ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 3.678 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết gần 327 tỷ đồng giúp LTG lãi sau thuế gần 425 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 44 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Tiếp đó là Công ty Lương thực miền Nam (VSF). Trong quý 2, VSF này thu về 6.867 tỷ đồng doanh thu, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thu về lại chưa đến 10 tỷ đồng, nhưng vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp chính vào kết quả lãi 6 tháng đầu năm nay của VSF.
>>>Bộ trưởng Bộ Công Thương: Xuất khẩu gạo phải "đánh chắc thắng chắc"
Mức tăng trưởng về doanh thu ấn tượng nhất trong quý 2/2023 thuộc về Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) với doanh thu 1.615 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí đã khiến TAR chịu lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng…
“Cửa sáng” cho doanh nghiệp ngành
Trong báo cáo cập nhật mới đây, nhiều Cong ty Chứng khoán đánh giá ngành gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi, như nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo.
Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2023-2024 do hạn hạn kéo dài. Bên cạnh đó, tồn kho tại Phillipines bị bào mòn khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. USDA dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ tới. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Đặc biệt, Ấn Độ hiện không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và cắt giảm 20% thuế đối với gạo trắng nhằm kiềm chế giá gạo trong nước tăng.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vẫn dự báo, năm 2023 sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan… Đây chính là “cửa sáng” cho doanh nghiệp gạo trong những tháng cuối năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu gạo tăng cao trên thị trường quốc tế.
Quan tâm cổ phiếu nào?
Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã niêm yết, các nhà đầu tư có thể quan tâm đến một số cổ phiếu lúa gạo sau đây:
Thứ nhất là cổ phiếu LTG. Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính của LTG. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tiếp tục góp phần cải thiện doanh thu cho LTG. Bên cạnh đó, việc LTG sáp nhập Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân giúp tăng công suất kỳ vọng mảng lương thực. Ước tính cả năm 2023, LTG sẽ ghi nhận 14.028 tỷ đồng doanh thu và 465 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 20% và 13% so với năm 2022.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý III và quý IV/2023 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo thế giới còn tăng do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế.
Cổ phiếu LTG đang giao dịch ở mức 38.300 đồng/cp. Nhà đầu tư mở mua mới cổ phiếu LTG khi cổ phiếu này xuống vùng 35.000 đồng/cp với mục tiêu 40.000 -42.000 đồng/cp.
Thứ hai là cổ phiếu TAR. Hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu gạo của TAR chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng sẽ tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Ước tính cả năm 2023, TAR sẽ ghi nhận 3.994,14 tỷ đồng doanh thu và 79,88 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 5,1% và 13,9%.
Cổ phiếu TAR đang giao dịch quanh vùng giá 21.300 đồng/cp, nhà đầu tư có thể mở mua mới khi TAR giảm xuống 19.000 - 20.000 đồng/cp và nắm giữ cho mục tiêu 22.000 - 25.000 đồng/cp.
Thứ ba là cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN. Trong 6 tháng cuối năm là mùa vụ kinh doanh cao điểm của tất cả các mảng kinh doanh của Công ty. Kết quả kinh doanh mảng gạo đã đột biến trong 6 tháng đầu năm với tăng trưởng 15% về doanh thu, nhưng tăng đến 50% về lợi nhuận gộp. Đây sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm của PAN.
Cổ phiếu PAN giao dịch quanh vùng giá 22.950 đồng/cp, nhà đầu tư có thể mở mua mới quanh vùng giá 21.000 đồng/cp và chốt lời khi PAN đạt giá mục tiêu quanh ngưỡng 25.000 đồng/cp…
Có thể bạn quan tâm