Giá cổ phiếu mía đường biến động theo giá đường thế giới

DƯƠNG THUỲ 25/08/2023 05:28

Cổ phiếu mía đường trên sàn chứng khoán nổi sóng và tăng mạnh khi thông tin Ấn Độ lệnh cấm xuất khẩu đường tung ra.

>>>Ngành Mía đường: Đau đầu bài toán cung cầu

Cổ phiếu mía đường biến động theo giá đường thế giới

Cổ phiếu mía đường biến động theo giá đường thế giới

Phiên giao dịch ngày  24/08, cổ phiếu của LSS- Công ty Cổ phần  Mía Đường Lam Sơn tăng trần lên mức 12.350 đồng/cp với hơn 529 ngàn cổ phiếu được khớp lệnh và dư mua trần gần 1,6 triệu đơn vị. Tiếp đến SBT- cổ phiếu Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa tăng trần, khớp lệnh hơn 3 triệu cổ phiếu; Cổ phiếu KTS- Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cũng tăng kịch trần lên mức 35.000 đồng/cp, tiến gần lên mức cao nhất lịch sử 37.000 đồng/cp khối lượng khớp lệnh không cao chỉ 8.500 đơn vị.

Cổ phiếu QNS - Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi với 1,9 triệu cổ phiếu đã được “sang tay”; Cổ phiếu SLS của Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La tăng lên mốc 216.500 đồng/cp, khớp lệnh gần 40 ngàn đơn vị...

Mức tăng giá của cổ phiếu nhóm mía đường xuất hiện sau thông tin Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10/2023. Có thể nói, đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ, nguyên nhân do thiếu mưa làm giảm năng suất mía trồng tại quốc gia này. Ngoài giá đường tăng theo thị trường thì ngành đường mới đây đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, nhóm cổ phiếu này gặt hái được vị ngọt của đường.

Với KTS, ghi nhận doanh thu hơn 153 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng 219%, tương đương gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đường KTS thường xuyên duy trì lợi nhuận khá khiêm tốn dưới 4 tỷ đồng mỗi quý, song trong quý 3 niên độ tài chính  2022-2023, doanh nghiệp này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản lượng đường tiêu thụ tăng cao. Mức lãi thu được trong quý 3 niên độ 2022-2023 cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 24 quý trở lại đây.

>>>Cổ phiếu mía đường liệu còn “vị ngọt”?

Lũy kế 9 tháng niên độ tài chính 2022-2023, doanh thu thuần và lãi sau thuế của KTS ghi nhận lần lượt 259 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 100% về doanh thu và 207% về lãi sau thuế.

SLS tiếp đà khởi sắc, lợi nhuận sau thuế duy trì trên 100 tỷ đồng quý thứ 2 liên tiếp, với xấp xỉ 109 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận trong quý 3 niên độ 2022-2023 (tương ứng tăng 91% so với cùng kỳ), đây cũng là mức lãi kỷ lục mà doanh nghiệp đạt được trong 1 quý kể từ khi đi vào hoạt động. Doanh thu bán hàng tăng 28% đạt mức 411 tỷ đồng là một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận SLS tăng trưởng.

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ tài chính  2022-2023, doanh thu thuần của SLS ghi nhận 1.126 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 298 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 73% và 138% so với cùng kỳ. EPS 3 quý đạt 30.482 đồng. Với LSS, dù khó khăn, doanh nghiệpvẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số. So sánh với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế LSS tăng 22%, đạt gần 9 tỷ đồng. Kết thúc 3 quý đầu niên độ 2022-23, lợi nhuận sau thuế của LSS ghi nhận hơn 16 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, lo ngại thắt chặt nguồn cung xuất phát từ triển vọng xuất khẩu hạn chế của Ấn Độ khi sản lượng của nước này không như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, cũng như nguồn khan hiếm từ các quốc gia khác Pakistan, Thái Lan… là nguyên nhân dẫn tới giá đường tăng cao.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra dự báo tích cực cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2022-2023, khi cả diện tích sản xuất, sản lượng mía đưa vào ép và sản lượng đường được sản xuất đều tăng so với niên vụ trước đó. Cụ thể, niên vụ 2022 - 2023, cả nước dự kiến có khoảng 151.300 ha diện tích trồng mía sản xuất, tăng 3% so với niên vụ trước. VSSA kỳ vọng sản lượng mía ép đạt gần 8,8 triệu tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường sản xuất đạt 871.000 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán TBS cho rằng, trong ngắn hạn, giá bán đường trong nước tiếp tục hưởng lợi nhờ thiếu hụt nguồn cung thế giới và chính sách bảo hộ của Chính phủ. Tăng trưởng thị trường tiêu thụ đường khá ổn định, với mức tăng trưởng CARG khoảng 5% về mặt giá trị trong giai đoạn 2023 – 2028, không tác động nhiều tới giá đường. Bên cạnh đó, năm 2023, các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước sẽ có sự phục hồi và lấy lại vị thế nhờ các biện pháp chống bán phá giá và thuế nhập khẩu.

Cụ thể, áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường tinh luyện và đường thô với mức thuế 47,64% nhập khẩu từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày Quyết định được ban hành cho đến ngày 15/6/2026. Giá đường nhập khẩu dự kiến sẽ tăng trên 22.000 đồng sau khi đánh thuế đầy đủ. Gần đây, sự phát triển của ngành đường phụ thuộc khá nhiều vào chính sách bảo hộ của Chính phủ, bao gồm chính sách chống trợ cấp đường của Thái Lan và chính sách hạn chế các doanh nghiệp gia nhập mới.

Tuy nhiên, cần chú ý là những yếu tố thuận lợi này có thể sẽ không kéo dài được lâu khi mà nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao, và chính sách bảo hộ sẽ kém hiệu quả trong dài hạn. QNS, SBT và SLS sẽ được hưởng lợi nhờ quy mô sản xuất và diện tích mía lớn, do chủ động được nguồn nguyên liệu và không nhập khẩu đường thô nhiều. Ngược lại, các doanh nghiệp còn lại như CBS, KTS và LSS có quy mô và diện tích mía nhỏ nên mức độ hưởng lợi từ chính sách chống bán phá giá và trợ cấp đường nhập khẩu từ Thái Lan là không nhiều.

Đánh giá về dư địa ngành đường, và cổ phiếu ngành này, TBS cho rằng doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp mía đường sẽ được hưởng lợi, theo đó giá cổ phiếu ngành này sẽ còn nhịp tăng tiếp khi kết thúc niên độ tài chính mới, do vậy nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu ngành đường trong thời gian tới…

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2023 cơ hội để mía đường “hồi sức”

    Năm 2023 cơ hội để mía đường “hồi sức”

    01:00, 07/01/2023

  • Năm 2023 - một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường

    Năm 2023 - một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường

    01:00, 25/11/2022

  • Cổ phiếu mía đường liệu còn “vị ngọt”?

    Cổ phiếu mía đường liệu còn “vị ngọt”?

    05:30, 11/08/2022

  • Mía đường: Được “o bế” nhưng chưa tận dụng được cơ hội

    Mía đường: Được “o bế” nhưng chưa tận dụng được cơ hội

    10:00, 20/07/2022

DƯƠNG THUỲ