Giá dầu sẽ vượt mức 90 USD một thùng?
Theo dự báo của các tổ chức, bao gồm các yếu tố cân bằng giữa nguồn cung - cầu, địa chính trị, thì giá dầu trong năm 2023 và 2024 sẽ cao hơn 90 USD một thùng và không vượt mốc 100 USD.
>>“Chảo lửa” Biển Đen sẽ thổi bùng giá dầu thế giới?
Dự báo nhu cầu dầu giảm
Từ đầu tháng 5/2023 đến nay, giá dầu Brent đã tăng 25%. Giá dầu bắt đầu tăng kể từ khi OPEC+ (tổ chức các nước xuất khẩu dầu) ra thông báo cắt giảm sản lượng khoảng 1,4 triệu thùng một ngày. Trong tháng 8 vừa qua, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8 của Việt Nam đã tăng với nguyên nhân là do giá xăng dầu và giá gạo tăng.
Về cơ chế biến động giá dầu thế giới có những yếu tố tác động bao gồm bên cung là nhóm OPEC, Mỹ hoặc Nga và bên cầu có các nhóm quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và các nước không thuộc nhóm OECD.
Theo đó, các quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ dựa trên nhu cầu tiêu thụ của các quốc gia trên thế giới và hàng tháng đưa ra đánh giá về nhu cầu này. Số liệu của OPEC cho thấy có ba nhóm chính gồm: Nhu cầu của các quốc gia thuộc OECD; Nhu cầu các quốc gia không thuộc OECD; và Tổng nhu cầu của toàn thế giới.
Trong năm 2022, nhu cầu dầu của toàn thế giới là 99,57 triệu thùng/ngày. Sang năm 2023, con số này là 102,01 triệu thùng/ngày, tuy nhiên đến năm 2024 họ dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng lên mức 104,25 triệu thùng dầu/ngày là mức không đáng kể.
Như vậy, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã nhìn thấy nhu cầu về dầu bắt đầu có sự sụt giảm từ năm 2024, nguyên nhân đến từ nhiều phía, có thể là do quá trình tăng lãi suất đã làm các nền kinh tế chủ lực có dấu hiệu suy thoái.
Để phản ứng với việc này thì còn có một số số liệu khác, theo Viện Năng lượng Hoa Kỳ dự báo tốc độ tăng từng năm về nhu cầu dầu của toàn thế giới sẽ giảm dần từ năm 2024 trở đi. Một mặt có thể do suy thoái kinh tế hoặc do sự chuyển dịch năng lượng hướng tới năng lượng xanh nhiều hơn.
Vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy là cả hai tổ chức đều đánh giá nhu cầu về dầu trên thế giới có sự sụt giảm, mà rõ ràng nhất sẽ bắt đầu từ năm 2024.
Thêm một điểm nữa, OPEC dự báo các quốc gia ngoài OPEC chỉ sản xuất tăng thêm 1,41 triệu thùng dầu một ngày, nhưng thực tế các quốc gia này đã sản xuất nhiều hơn đạt 1,51 triệu thùng dầu một ngày. Trong đó, nguồn cung từ Mỹ đang rất lớn thông qua dầu đá phiến, ngoài ra còn có Brazil, Na Uy, Kazakhstan và thậm chí Trung Quốc cũng có một phần nguồn cung. Dự báo năm 2024, con số tăng trưởng của các quốc gia ngoài OPEC sẽ tiếp tục.
Đứng ở góc độ nguồn cung và cầu chúng ta sẽ thấy, để tính cân bằng giữa nhu cầu dầu thế giới và khả năng sản xuất dầu của OPEC, thì họ sẽ tính ra được mức chênh lệch. Ví dụ ở thời điểm năm 2022 bị thừa 0,44 triệu thùng/ngày nên từ các quý của năm 2023 bắt đầu có sự cắt giảm nguồn cung.
Với cơ chế này, có một thuật ngữ được gọi là "Call on OPEC" sẽ bằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trừ đi nguồn cung không phải của OPEC. Khi nhu cầu dầu toàn thế giới cao mà nguồn cung không phải của OPEC thấp thì "Call on OPEC" sẽ dương, khiến họ gia tăng sản lượng. Ngược lại trong trường hợp nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có sự sụt giảm, nguồn cũng không phải của OPEC đang tăng thì "Call on OPEC" sẽ âm, khiến họ phải giảm sản lượng để tránh dư thừa nguồn cung. Đây chính là những lý do giải thích cho việc có các quyết định hoặc thông báo giảm nguồn cung từ OPEC.
>>Giá xăng giảm nhẹ, giá dầu có thể tăng trên 6%
Và giá dầu sẽ tăng
Riêng về tình trạng tăng giá dầu trên thế giới là cả một quá trình. Bắt đầu từ tháng 10/2022, OPEC+ đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày; đến tháng 02/2023, Nga là một quốc gia ngoài OPEC cũng có sản lượng rất tốt và đã cắt giảm 500.000 thùng một ngày; Tháng 6/2023 OPEC+ và Nga đã cắt giảm 1,4 triệu thùng một ngày; Đến tháng 7/2023, Nga cắt giảm 300.000 thùng một ngày và sau đó Ả Rập Xê Út cắt giảm thêm 1 triệu thùng một ngày. Thông tin gần nhất là tháng 9/2023 Nga và Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục tự nguyện cắt giảm cho đến hết năm 2023.
Để sản xuất thì các quốc gia sẽ nhìn vào thị trường và nhu cầu để cắt giảm sản lượng giúp giá dầu được tối ưu nhất, bởi vì dầu mỏ phải có các chi phí để sản xuất, cộng với chi phí lưu trữ. Trong thời kỳ Covid-19, giá dầu thậm chí đã xuống mức âm vì do mất chi phí lưu trữ dầu trên toàn thế giới. Điều đó cho thấy, giá dầu phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế, khi kinh tế có xu hướng không phát triển, nhu cầu thấp thì các quốc gia OPEC sẽ cắt giảm sản lượng để giá ở mức hợp lý.
Theo một báo cáo khác của Oxford về thị trường dầu toàn cầu trong quý 3-4/2023 phân tích, có những thời điểm nhu cầu dầu sụt giảm vào năm 2020 do Covid-19 bùng phát và nguồn cung sụt giảm chưa tương ứng, gây ra lượng tồn dư dầu. Khi nhu cầu cao lên và nguồn cung cũng chưa tăng trưởng tương ứng sẽ gây ra hiện tượng âm dự trữ. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng như các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ sẽ rất quan tâm và theo dõi sát việc cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, khi OPEC có quyết định cắt giảm sản lượng thì nhu cầu sẽ vượt lên và đó cũng là yếu tố gây ra sự tăng giá dầu trong thời gian gần đây. Chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy từ tháng 6/2023, giá dầu khoảng hơn 60 USD một thùng và hiện đã lên hơn 90 USD một thùng và đã được dự báo trước. Sự cân bằng sẽ trở lại vào khoảng quý 1/2024, từ đó chúng ta có thể dự phóng được giá dầu.
Báo cáo này đã được thiết lập từ tháng 8, nên có một mốc chúng ta rất quan tâm đó là liệu mốc 100 USD một thùng có bị phá vỡ trong thời gian tới hay không? Một điểm đáng chú ý là trong các dự báo, các quốc gia OPEC cũng như các quốc gia có khối lượng tiêu thụ dầu đều đã tính bao gồm sự cân bằng giữa nguồn cung - cầu, địa chính trị, thì giá dầu trong năm 2023 và 2024 đang được dự báo sẽ cao hơn 90 USD một thùng và sẽ không vượt mốc 100 USD.
Có thể bạn quan tâm
"Lỗ hổng" trần giá dầu giúp Nga kiếm lời hàng tỷ đô
04:00, 15/08/2023
“Chảo lửa” Biển Đen sẽ thổi bùng giá dầu thế giới?
04:00, 11/08/2023
Giá xăng giảm nhẹ, giá dầu có thể tăng trên 6%
00:30, 11/08/2023
Giá dầu có thể "lao dốc" mạnh sau các tín hiệu kinh tế tiêu cực
04:00, 30/07/2023