Những lưu ý trên thị trường chứng khoán tháng 9
Trong tháng 9 này, sẽ có những biến số mà nhà đầu tư phải theo dõi trên TTCK như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp; tăng trưởng GDP; và cả việc công bố tăng lãi suất của Fed.
>>Cổ phiếu ngành chứng khoán: Cơ hội từ "gió đổi chiều"
Bùng nổ tài khoản mở mới
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã cho thấy sự hồi phục tích cực trong vài tháng qua nhờ dòng vốn có dấu hiệu vào tích cực hơn từ đầu quý 2/2023. Mặc dù thị trường những phiên gần đây biến động lớn, nhưng nhiều ý kiến vẫn bày tỏ sự kỳ vọng dòng tiền vào thị trường sẽ tiếp tục ủng hộ cho đà tăng của VN-Index trong thời gian tới.
Theo cập nhật từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tháng 8/2023, nhà đầu tư đã mở mới trên 190.000 tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, điều chúng ta cần quan tâm là số lượng tài khoản thực do một nhà đầu tư sở hữu.
Trước đây, theo luật một nhà đầu tư chỉ được sở hữu một tài khoản, nếu muốn chuyển thì phải làm thủ tục chuyển đổi sang công ty chứng khoán mới. Song đến nay, chúng ta có thể mở nhiều tài khoản, nên vẫn chưa rõ có bao nhiêu tài khoản thực sự hoạt động một cách sôi động.
Nhìn một cách tích cực, điều này cũng phản ánh xu thế thị trường đang có sự quan tâm nhất định. Nếu so sánh với giai đoạn bùng nổ về số lượng tài khoản mới vào khoảng tháng 5 - 9/2021, là lúc Covid-19 nặng nề, các hoạt động kinh doanh đình trệ, chuỗi cung ứng bị chia cắt nên mọi người đã tham gia TTCK rất nhiều. Hiện tại, trong hai tháng vừa qua số lượng tài khoản mở mới là khoảng 350.000 và nó cho thấy, ở thời điểm này nền kinh tế thực của chúng ta cũng đang có vấn đề.
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nói rằng, “ngân hàng phải chữa bệnh thừa tiền”, nếu ngân hàng coi tiền là hàng tồn kho khó giải ngân, thì cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn đọng hàng hoá. Còn các chuyên gia kinh tế đề xuất phải có giải pháp tổng thể để tăng tín dụng, tăng hấp thụ vốn đối với doanh nghiệp và các thành phần khác trong nền kinh tế; từ đó phản ánh vào nền kinh tế.
Khi mọi thứ còn đang phải “chữa” ở ngoài kia, thì người dân lại mang tiền đi mở tài khoản chứng khoán cho thấy bức tranh khá tương đồng với giai đoạn 2021.
Trong hai phiên liên tiếp cuối tuần trước, TTCK đã không còn tăng điểm nhưng thanh khoản vẫn rất cao. Điều này có thể là do số lượng tài khoản của những người giao dịch mua vào đúng phiên ngày 18/8, VN-Index giảm 4,5% (55 điểm) và hiện đã đến lúc họ chốt một mức lợi nhuận tương đối.
Ngoài ra, những nhà đầu tư mới bắt đầu gia nhập thị trường mà theo tôi quan sát cũng không hẳn là nhà đầu tư mới, có thể đó là những người đã rời bỏ thị trường vào các giai đoạn khó khăn và bây giờ là lúc cân nhắc câu chuyện quay lại, dẫn đến thanh khoản lớn.
Những lưu ý trong tháng 9
Theo góc nhìn của tôi trong tháng 9 này, sẽ có những biến số mà nhà đầu tư phải theo dõi trên thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, tháng 9 là tháng cuối của quý 3, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần được hé lộ và sẽ công bố GDP tăng trưởng như thế nào trong quý 3. Từ đó tác động đến chính sách của Việt Nam bao gồm cả tài khóa lẫn tiền tệ có tiếp tục hỗ trợ cho GDP trong giai đoạn tới hay không. Câu chuyện đặt ra là, nếu GDP thấp sẽ là lợi thế cho TTCK vì các chính sách vẫn tiếp tục hỗ trợ.
Thứ hai, là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố việc tăng lãi suất vào ngày 21/9 (ngày 22/9 theo giờ Việt Nam). Chúng ta sẽ có thông tin về việc tăng hay không tăng lãi suất, đây sẽ là một trong những yếu tố có gây sức ép rất lớn đối với Việt Nam ở hai khía cạnh: Một là vấn đề về tỷ giá; Hai là vấn đề về lạm phát, trong bối cảnh giá dầu đã tăng lên hơn 90 USD một thùng và Ả Rập Xê Út là quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới cam kết giảm sản lượng từ nay cho đến cuối năm.
Về cơ bản, tôi không kỳ vọng tháng 9 năm nay sẽ giống tháng 9/2022. Nhìn lại, đầu tháng 9/2022 VN-Index tăng lên 1.300 điểm và sau đó là một đợt giảm rất mạnh xuống dưới 900 điểm. TTCK xuyên suốt năm 2022 có sự tăng trưởng lên 1.200-1.500 điểm trong quý 1 và sau đó xuống 1.200-1.150 điểm, rồi lại phục hồi về 1.300 điểm. Khi đó, có rất nhiều nhà đầu tư đã bị “vỡ mộng” khi chạy đuổi theo VN-Index và sau đó thất bại, bao gồm cả những nhà đầu tư phái sinh.
Đặc biệt, có hàng loạt sự kiện diễn ra vào tháng 9-10/2022 như Fed tăng lãi suất liên tục; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tăng lãi suất điều hành hai lần với biên độ tăng lớn; nới rộng biên độ tỷ giá; và các sự kiện liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng... đã khiến TTCK giảm liên tục. Mặc dù tôi không kỳ vọng năm nay sẽ giống như năm ngoái, nhưng tôi nhận thấy nhiều người đang kỳ vọng một sự tăng trưởng mang tính đột phá vào cuối năm và tôi cũng không kỳ vọng quá nhiều vào điều này.
Về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9 này, chúng ta có thể thấy cả giai đoạn 8 tháng vừa qua, áp lực đáo hạn trái phiếu cũng lớn. Nhờ một loạt chính sách đưa ra như Nghị định 08/2023, hay các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp bất động sản vẫn đang cố gắng thu xếp và sẽ tìm ra được giải pháp giãn nợ.
Cũng do đó, mọi áp lực sẽ bị đẩy lên tương lai, nhưng ít nhất trước mắt là không có các đột biến quá lớn xảy ra, dẫn đến một số công ty gặp vấn đề và tạo tâm lý xấu trên thị trường.
>>Nhận diện 3 rủi ro có thể tác động đến thị trường chứng khoán
Chưa vội kỳ vọng nâng hạng thị trường
Thêm một vấn đề nữa là vừa qua, các tổ chức xếp hạng và định chế tài chính quốc tế lớn đã đánh giá Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị TTCK. Tuy nhiên, mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025 TTCK Việt Nam sẽ nâng hạng, nên nếu mọi người kỳ vọng ngay là sẽ không thể xảy ra.
Có thể hiểu đối với TTCK Việt Nam, các cơ quan trực tiếp liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã đang rất nỗ lực trong giai đoạn ngắn hạn này để cải thiện, đáp ứng các tiêu chí của nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Ngoài việc cố gắng phấn đấu cải thiện những chỉ tiêu đặc biệt, những giới hạn rất khó vượt qua như thanh toán bù trừ, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trên TTCk; thì việc nâng hạng còn phụ thuộc vào tổ chức xếp hạng họ có nâng hạng cho chúng ta hay không. Đặc biệt, trước đây thị trường còn tốt hơn hiện tại, chính vì thế cần phải nỗ lực rất nhiều bao gồm cả các thành phần tham gia thị trường trong đó có các nhà đầu tư.
Các chủ thể tham gia thị trường phải đáp ứng tiêu chuẩn, trong khi chúng ta còn thiếu nhiều thứ như chất lượng quản trị công ty - những thứ không nằm trong tiêu chí định lượng cụ thể mà nằm ở khảo sát. Ví dụ, quy trình mà các tổ chức như MSCI đánh giá Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, họ sẽ khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài, đó là những vấn đề chúng ta không kiểm soát được.
Tuy nhiên với những nỗ lực rất rõ ràng của các cơ quan Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đến năm 2025, TTCK sẽ được nâng hạng và thu hút dòng tiền lớn đổ vào thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Nhận diện 3 rủi ro có thể tác động đến thị trường chứng khoán
05:20, 05/09/2023
Tác động của cơ chế ngắt mạch thị trường chứng khoán
11:03, 28/08/2023
Thị trường chứng khoán khó bứt phá
04:00, 26/08/2023
Thị trường chứng khoán: "Xếp hàng bắt đáy"
12:00, 20/08/2023