Tòa phúc thẩm chứng khoán của Ấn Độ và gợi mở cho Việt Nam

Ths. NGUYỄN HOÀNG NAM 20/09/2023 11:30

Để quản lý hiệu quả những tranh chấp phát sinh trên thị trường chứng khoán, xây dựng Tòa xét xử chuyên trách giải quyết trong lĩnh vực chứng khoán sẽ là một phương án có thể xem xét tại Việt Nam.

>>>Chiến lược đầu tư cổ phiếu cuối năm

Chính sách về Tòa phúc thẩm chứng khoán tại Ấn Độ

Tại Ấn Độ, pháp luật cho phép thành lập Toà phúc thẩm chứng khoán (SAT) chuyên biệt để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ

Thị trường chứng khoán Ấn Độ có tòa xét xử chuyên trách để giải quyết tranh chấp

Pháp luật về thị trường chứng khoán của Ấn Độ được quy định tại Đạo luật chứng khoán và hối đoái năm 1992 (sau đây gọi là Đạo luật). Xét về mục tiêu của chính sách pháp luật, Đạo luật quy định việc thành lập một Hội đồng Chứng khoán và Hối đoái Ấn Độ (SEBI) để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư chứng khoán, thúc đẩy sự phát triển chung, điều tiết thị trường chứng khoán và các vấn đề liên quan. SEBI có vai trò quan trọng trong việc quản lý các giao dịch và giám sát, ổn định thị trường chứng khoán. Trong đó, khi có tranh chấp phát sinh cần giải quyết, SAT thực thi quyền tài phán, bao gồm các quyền hạn và thẩm quyền được nhắc đến tại khoản 1 Điều 15K Đạo luật. Việc thành lập SAT được trao bởi Chính phủ trung ương bằng thông báo, bao gồm Chủ tọa và 2 Thành viên khác được Chính phủ trung ương chỉ định.

Về điều kiện để được bổ nhiệm làm Chủ tọa hoặc Thành viên của SAT, Chủ tọa của SAT phải là Thẩm phán đương nhiệm (hoặc đã nghỉ hưu của Tòa án tối cao) hoặc Chánh án đương nhiệm (hoặc đã nghỉ hưu của Tòa án cấp cao). Quy trình sẽ do Chính phủ trung ương bổ nhiệm với sự tham vấn của Chánh án Ấn Độ hoặc người được Chánh án Ấn Độ chỉ định. Tương tự, Thành viên của SAT phải là người có năng lực, liêm chính và có uy tín, người đã thể hiện năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán và có trình độ và kinh nghiệm về luật doanh nghiệp, luật chứng khoán, tài chính, kinh tế hoặc kế toán.

Một trường hợp ngoại lệ đối với thành viên Hội đồng quản trị hoặc bất kỳ người nào giữ chức vụ quản lý cấp cao tương đương với Giám đốc điều hành trong Hội đồng quản trị sẽ không được bổ nhiệm làm Chủ tọa hoặc Thành viên của SAT trong thời gian nhiệm kỳ và hai năm tiếp sau kể từ ngày người đó thôi giữ chức vụ trong Hội đồng quản trị.

Về thẩm quyền, SAT trong khi xét xử có quyền tương tự của một Tòa án dân sự theo Bộ luật tố tụng dân sự 1908 như: (1) quyền triệu tập và bắt buộc bất kỳ người nào phải có mặt và kiểm tra người đó khi tuyên thệ; (2) yêu cầu cung cấp các tài liệu; (3) nhận bằng chứng về bản khai có tuyên thệ; (4) ủy quyền kiểm tra các nhân chứng hoặc tài liệu; (5) hủy bỏ bất kỳ lệnh bác bỏ bất kỳ đơn xin vi phạm nào hoặc bất kỳ lệnh nào được thông qua một cách đơn phương. Bên cạnh đó, SAT sẽ có quyền điều chỉnh thủ tục riêng, không bị ràng buộc bởi thủ tục tố tụng.

Phán quyết của SAT đưa ra có tính chung thẩm. Hay nói cách khác, các phán quyết là quyết định cuối cùng, không cho phép khiếu nại và không làm mất hiệu lực các thủ tục tố tụng trong trường hợp có bất kỳ sai sót nào trong việc thành lập SAT. Tòa án dân sự không có thẩm quyền xét xử lại theo quy định tại Điều 15Y Đạo luật.

>>>Cẩn trọng rủi ro với nhà đầu tư cá nhân

Về quyền kháng cáo, các bên có quyền kháng cáo lên SAT. Yêu cầu kháng cáo chỉ có thể đến từ công chức xét xử, bao gồm Chủ tọa, Thành viên SAT, hoặc theo lệnh của SEBI. Thời hạn để xử lý đơn kháng cáo là 6 tháng kể từ ngày nhận đơn. Nếu đã kháng cáo lên SAT nhưng vẫn không hài lòng, các bên có quyền nộp đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao trong vòng 60 ngày kể từ ngày thông báo phán quyết của SAT. Trong trường hợp cho thấy người nộp đơn có dấu hiệu bị ngăn cản vì lý do chính đáng để nộp đơn kháng cáo trong khoảng thời gian trên, thời hạn sẽ được kéo dài thêm nhưng không quá 60 ngày tiếp theo.

Nhiệm kỳ của Chủ tọa và Thành viên SAT có thời hạn 5 năm kể từ ngày nhậm chức và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 68 tuổi đối với Chủ tọa của SAT và 62 tuổi đối với Thành viên của SAT. Trong trường hợp vị trí Chủ tọa hoặc Thành viên của SAT có chỗ trống thì Chính phủ trung ương sẽ chỉ định một người khác để lấp vào vị trí còn trống, đảm bảo tuân thủ các điều kiện theo từng chức danh.

Về chính sách lương thưởng, Chủ tọa và các thành viên của SAT hưởng lương theo chế độ công chức, bao gồm lương hưu, tiền thưởng và các khoản trợ cấp hưu trí khác. Để đảm bảo mức lương thưởng ổn định trong suốt quá trình công tác, Điều 15O Đạo luật quy định lương và các khoản phụ cấp của Chủ tọa và các thành viên SAT sẽ không bị thay đổi theo hướng bất lợi cho họ sau khi được bổ nhiệm. Ngoài ra, Chủ tịch hoặc bất kỳ Thành viên nào khác của SAT sẽ không bị cách chức trừ khi có lệnh của Chính phủ trung ương trên cơ sở chứng minh (1) hành vi sai trái hoặc (2) mất năng lực hành vi, có quyết định sau cuộc điều tra của Thẩm phán Tòa án tối cao.

Ý tưởng về Tòa xét xử chuyên trách lĩnh vực chứng khoán

Với vai trò thu hút dòng vốn nước ngoài và ổn định thị trường tài chính, chứng khoán là một trong những kênh điều tiết vốn quan trọng. Cùng tốc độ phát triển và hội nhập nhanh chóng của thị trường chứng khoán, số lượng các vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực chứng khoán đang ngày một nhiều hơn, đặc biệt là các tranh chấp về trái phiếu doanh nghiệp.

Việc nghiên cứu tiến đến thành lập Tòa xét xử chuyên trách lĩnh vực chứng khoán sẽ gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư

Việc nghiên cứu tiến đến thành lập Tòa xét xử chuyên trách lĩnh vực chứng khoán sẽ gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tính từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 08/2023, tổng số lượng bản án, quyết định liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thương mại là hơn 21.200. Cụ thể, các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm chiếm tỷ lệ lần lượt tương ứng 78,3%, 20,9%, 0,7% và 0,1% trên tổng số lượng bản án, quyết định. Dựa trên báo cáo tổng kết công tác hàng năm, tỷ lệ đã giải quyết, xét xử về kinh doanh thương mại trung bình chỉ vào khoảng 80%.

Hiện nay, Luật chứng khoán 2019 tại Điều 131 quy định những tranh chấp phát sinh trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại nước ta có thể được giải quyết thông qua 4 phương thức: (1) thương lượng; (2) hoà giải; (3) yêu cầu Trọng tài và (4) Tòa án giải quyết. Trong đó, hầu hết các tranh chấp về chứng khoán đều được giải quyết thông qua xét xử tại Tòa án. Việc thiết lập một Tòa xét xử chuyên trách trong lĩnh vực chứng khoán không chỉ hỗ trợ cải thiện tỷ lệ giải quyết, xét xử nói chung mà còn củng cố sự toàn diện, chuyên nghiệp của cơ quan Tòa án đối với những vụ việc dân sự, vụ án hình sự về chứng khoán có tính chất phức tạp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Về dài hạn sẽ góp phần gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền rẻ nhưng chưa chảy mạnh vào thị trường chứng khoán

    Tiền rẻ nhưng chưa chảy mạnh vào thị trường chứng khoán

    05:30, 15/09/2023

  • Khối ngoại bán ròng, chứng khoán vẫn chờ

    Khối ngoại bán ròng, chứng khoán vẫn chờ "mưa rào" cuối thu?

    05:00, 16/09/2023

  • Những lưu ý trên thị trường chứng khoán tháng 9

    Những lưu ý trên thị trường chứng khoán tháng 9

    05:00, 11/09/2023

  • Cổ phiếu ngành chứng khoán: Cơ hội từ

    Cổ phiếu ngành chứng khoán: Cơ hội từ "gió đổi chiều"

    05:30, 06/09/2023

Ths. NGUYỄN HOÀNG NAM