Cơ hội đón dòng vốn 7,2 tỷ USD mỗi năm từ nâng hạng TTCK
Nếu cuối năm 2025 Việt Nam có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, chúng ta sẽ có cơ hội được đón nhận dòng vốn 7,2 tỷ USD mỗi năm chảy vào thị trường.
>>Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) thì có thể đón nhận khoảng 7,2 tỷ USD dòng vốn đầu tư mỗi năm vào thị trường. Đây là một con số khá ấn tượng.
Trên thế giới luôn có hệ thống các quỹ đầu tư phân hạng thị trường, trong đó có những quỹ tập trung đầu tư vào các thị trường cận biên như của Việt Nam hiện tại; nhưng có những quỹ đầu tư với quy mô lớn và chỉ tập trung ở hạng cao hơn đó là thị trường mới nổi. Vì vậy, chúng ta đang kỳ vọng được nâng hạng để thu hút tiền từ các quỹ đầu tư lớn này. Đây cũng là một trong những mục tiêu chiến lược của TTCK Việt Nam và luôn luôn được đặt ra từ những năm 2013.
Hiện nay, trên thế giới có ba tổ chức nâng hạng thị trường, nhưng Việt Nam sẽ tập trung chính vào hai tổ chức đó là MSCI và FTSE Russell. Về lộ trình nâng hạng, từ năm 2018 FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách nâng hạng xem xét thị trường mới nổi; Năm 2020 Việt Nam có Nghị định 155/2020 về việc triển khai mô hình thanh toán bù trừ (CCP); Năm 2021 là chuẩn bị Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật chứng khoán 2019; Năm 2023 Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE và đạt 9/18 tiêu chí của MSCI.
Như vậy, chúng ta còn thiếu khoảng 9 tiêu chí, nhưng chỉ có 2 tiêu chí định lượng bắt buộc còn những tiêu chí khác thì không bắt buộc.
Với mỗi tổ chức đều có bộ khung về tiêu chí xếp hạng riêng, với MSCI chia thành ba nhóm gồm: A là phát triển kinh tế; B là quy mô và thanh khoản; C là khả năng tiếp cận thị trường. Hiện Việt Nam chủ yếu vướng ở các tiêu chí thuộc nhóm C, cụ thể là giới hạn sở hữu nước ngoài và thanh toán và bù trừ.
Bên cạnh đó, quy định về thị trường chưa có đầy đủ bằng tiếng Anh cũng là một vấn đề đáng quan tâm, khi các doanh nghiệp phát hành bất kỳ thông tin gì ra thị trường thì đều phải kèm theo bản tiếng Anh. Hay mức độ tự do trên thị trường ngoại hối Việt Nam cũng sẽ khó thực hiện được trong thời gian ngắn, do VND vẫn là đồng tiền chưa giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, điểm này không quá đáng lo bởi vì ngay cả đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hiện cũng không phải đồng tiền tự do chuyển đổi, nên điều kiện này không đạt được cũng không sao.
>>Cải thiện điểm yếu, tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán
Đồng thời, chúng ta chưa có thị trường luân chuyển vốn tự do, nghĩa là mỗi giao dịch mua bán ngoại tệ đều cần phải liên quan đến chứng từ thanh toán vốn hoặc xuất nhập khẩu, do đó chúng ta sẽ chỉ tập trung vào hai điểm quan trọng nhất.
Thứ nhất, là giới hạn sở hữu nước ngoài thì phải có sự phối hợp giữa các ngành nghề và được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước và phụ thuộc vào ngành nghề cũng như quy định của Luật Đầu tư. Hiện nay có một số lĩnh vực chúng ta đã mở cửa hoàn toàn đối với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực thì vẫn đang trong tình trạng giới hạn, là những ngành mang tính trọng yếu như ngân hàng...
Thứ hai, về ký quỹ trước giao dịch là quy định yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ 100% tiền trong tài khoản ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch. Hiện tại chỉ có công ty chứng khoán ở Việt Nam là được tham gia vào thanh toán bù trừ với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, mà chưa có các ngân hàng lưu ký để được tham gia vào quy định thanh toán bù trừ này. Khi chúng ta mua các giao dịch cổ phiếu từ nhà đầu tư trong nước đến nhà đầu tư nước ngoài, đều cần phải có ký quỹ trước giao dịch.
Đây là một điều kiện tiên quyết để phân loại giữa các thị trường mới nổi ở bậc cao hơn với thị trường cận biên. Để thực hiện được việc ký quỹ sẽ cần cơ sở về nền tảng của Sở Giao dịch Chứng khoán.
Khi các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán, họ có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lệnh mua bán và đến cuối ngày sẽ bù trừ lại, sau đó thanh toán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán; nhưng chúng ta đang cần một hệ thống thanh toán bù trừ tổng thể mà trong Nghị định 155/2020 quy định pháp lý đã nêu về thanh toán bù trừ trung tâm.
Chúng ta muốn biến quy định pháp lý đó trở thành thực tế và để hỗ trợ cho việc đáp ứng tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI thì sẽ phải thực hiện điều này và gần như phải gắn rất nhiều các quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Ngân hàng Nhà nước.
Điều này cũng liên quan đến hệ thống hạ tầng giao dịch đã được đề cập rất nhiều gần đây đó là hệ thống KRX, kỳ vọng sẽ mang đến các giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như giao dịch trong ngày T + 0; bán khống; rút ngắn thời gian thanh toán; hợp đồng quyền chọn; tạo tiền đề để giải quyết các nút thắt tiến tới nâng hạng thị trường như thanh toán bù trừ trung tâm và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng...
Có thể thấy, đây là hai tiêu chí định lượng quan trọng và bắt buộc, nhưng việc nâng hạng thị trường là do cơ quan nâng hạng thực hiện, chứ không phải cứ đáp ứng các tiêu chí này thì sẽ được tự động nâng hạng. Do đó chúng ta cần phải hiểu về quy trình xếp hạng thị trường của MSCI, đầu tiên là Việt Nam phải đạt các tiêu chí và sau đó là vượt qua quy trình xếp hạng.
Quy trình này sẽ mất thời gian tối thiểu khoảng một năm, đồng nghĩa với việc nếu Việt Nam muốn cuối năm 2025 được nâng hạng thì sớm nhất là năm 2024, chúng ta phải đạt được các tiêu chí để vào danh sách theo dõi, sau đó mới thực hiện một loạt các quy trình khác.
Nếu cuối năm 2025 Việt Nam có thể nâng hạng theo đúng mục tiêu của Chính Phủ sẽ là điều rất đáng mừng, khi đó chúng ta có cơ hội được đón nhận dòng vốn 7,2 tỷ USD mỗi năm chảy vào TTCK.
Thực tế, theo xếp hạng mới nhất của MSCI vào tháng 6/2023, Việt Nam đang trong nhóm các thị trường cận biên với nhiều điểm cần cải thiện. Những nhận xét của MSCI không khác gì mấy so với một năm trước đó, với các điểm nghẽn ở sở hữu nước ngoài, các tài liệu tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thanh toán bù trừ, thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài.
FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào “danh sách chờ” từ tháng 9/2018 nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh bao gồm: (1) thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường, (2) nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, (3) hoàn thiện cơ chế chính sách, (4) vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài, (5) tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và (6) tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.
Có thể bạn quan tâm
Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG
13:04, 28/09/2023
Cải thiện điểm yếu, tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán
05:30, 06/03/2023
Áp dụng IFRS: Điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán
15:30, 12/07/2022
Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?
04:50, 05/07/2022