Giá dầu sẽ vẫn là trọng tâm của giới đầu tư trong 5 năm tới
Dù xu hướng chuyển dịch năng lượng là tất yếu, nhưng ít nhất trong 5 năm tới, giá dầu vẫn là trọng tâm của giới đầu tư về năng lượng và là mặt hàng giao dịch lớn nhất trên các sở giao dịch hàng hóa.
>>Giá dầu sẽ vượt mức 90 USD một thùng?
Thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung
Giá dầu giảm trong thời gian gần đây là một diễn biến hết sức bình thường phản ánh đúng thông tin về cung cầu gần đây. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, hay Nga hạn chế xuất khẩu dầu đã phản ánh phần nào vào giá trong đợt tăng vừa qua.
Chốt phiên giao dịch tuần ngày 8/10, theo dữ liệu ghi nhận của Investing.vn, giá dầu Brent giao tháng 12/2023 có giá 84,43 USD/thùng. Trong khi giá dầu WTI giao tháng 12/2023 ghi nhận ở mức 82,81 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu Brent và WTI đã giảm khoảng 9%.
Theo báo cáo cập nhật gần đây nhất, tuần vừa rồi, sản lượng tồn kho của giá xăng tại Mỹ tăng mạnh. Chính điều này đã phản ánh nhu cầu giảm đối với mặt hàng xăng dầu của thị trường Mỹ nói riêng và các nền kinh tế khác nói chung.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều ẩn số, việc giá dầu tiệm cận ngưỡng 100 USD/thùng tại thời điểm cuối tháng 9 sẽ gây ra suy yếu nhu cầu sử dụng của thị trường. Tuy nhiên đây không phải xu hướng đảo chiều của thị trường một cách rõ ràng, minh chứng là phiên thứ Sáu vừa rồi, giá dầu đã tăng trở lại.
Xét về trung - dài hạn, thị trường vẫn đang thiếu hụt nguồn cung, đây sẽ là động lực giữ giá dầu ở mức cao. Theo nhận định của tôi, giá dầu sẽ duy trì ở mức trên 85 USD/thùng và hoàn toàn có khả năng chạm mốc 100 USD/ thùng trong thời gian tới.
Việc dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới, đặc biệt là hai ngân hàng lớn JPMorgan và Citi Group cho thấy, giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 100 USD/thùng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung khoảng 1 - 2 triệu thùng một ngày. Các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, hay nền kinh tế Trung Quốc cũng có sự phục hồi tốt hơn dự kiến.
Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến giá dầu, trong đó nguồn cung đã khá rõ ràng là thiếu hụt và thông tin này tương đối ổn định. Tuy nhiên nhu cầu thì vẫn là biến số, xét trên các chỉ số về mặt tăng trưởng, lãi suất, hay lạm phát có tầm ảnh hưởng đến giá dầu trong quý 4 này đang có dấu hiệu tích cực. Chính vì vậy bản thân giới chuyên gia vẫn đang lạc quan với triển vọng kinh tế trong thời gian tới, sẽ là cơ sở để họ đưa ra nhận định giá dầu sẽ neo giữ ở mức cao.
Cũng có dự báo cho rằng giá dầu sẽ không chạm mức 100 USD/thùng nhưng có khả năng sẽ tiệm cận mức này trong thời gian tới, bởi vì các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới như OPEC, nhất là các quốc gia có thu nhập phụ thuộc vào việc xuất khẩu dầu như Ả Rập Xê Út, họ cũng sẽ cố gắng duy trì mức dầu ở ngưỡng trên 80 USD. Vì vậy, họ đã duy trì chính sách hạn chế nguồn cung trong cả thời gian vừa rồi và tiếp tục động thái này trong thời gian tới.
Nếu thị trường dầu có diễn biến hạ nhiệt hoặc suy yếu, thì có khả năng khối này sẽ sẵn sàng tăng cường việc hạn chế nguồn cung hơn nữa để giữ giá dầu ở mức cao.
>>Giá dầu "bứt phá", lạm phát sẽ nóng trở lại?
Tác động tới lạm phát
Khi nguồn cung dầu bị thắt chặt, theo cá nhân tôi, giá dầu cũng khó có khả năng duy trì ở mức trên 100 USD/thùng trong thời gian dài.
Thứ nhất, việc giá dầu tăng quá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường, các công ty sản xuất dầu đã phiến của Mỹ sẽ có động lực để tăng năng suất và tăng lượng dầu khai thác ở thị trường. Sản lượng dầu ở Mỹ hiện tại đang là 12,9 triệu thùng và theo dự báo có thể đạt đến mức kỷ lục, vượt qua 13 triệu thùng dầu trong quý 4 tới.
Thứ hai, khi giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức mua, hơn nữa các nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu đang phải chịu sức ép về việc duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát.
Thứ ba, về dài hạn, kinh tế vĩ mô vẫn còn rất nhiều ẩn số, khả năng rủi ro liên quan đến suy thoái kinh tế hay tăng trưởng cũng chậm lại vẫn hiện hữu. Vì vậy theo tôi giá dầu sẽ có khả năng tăng lên vào đầu quý 4 và sau đó hạ nhiệt dần vào cuối năm, đặc biệt từ quý 1 năm sau.
Về tác động tới lạm phát, theo nguyên tắc chung, mỗi khi giá dầu tăng cứ 10 USD sẽ ảnh hưởng đến lạm phát chung của toàn cầu là 0,3 điểm phần trăm. Trong một số nghiên cứu gần đây đã đưa ra rằng, nếu giá dầu ở Mỹ giữ ở mức trên 100 USD/thùng thì lạm phát của Mỹ sẽ tăng thêm 0,9 điểm phần trăm CPI. Trong khi đó ở châu Âu, đặc biệt ở Anh sẽ tăng 0,4%.
Đối với Việt Nam ảnh hưởng có thể sẽ nhẹ hơn, nhưng việc giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát là điều không thể tránh khỏi. Tính từ thời điểm tháng 7, khi giá dầu thế giới bắt đầu tăng, trong nước cũng đã điều chỉnh giá xăng dầu tăng 7 lần trong 8 chu kỳ điều chỉnh giá.
Xét về ảnh hưởng của giá dầu đối với chỉ số CPI, khi giá dầu đang chiếm khoảng 3,5% tổng chi phí sản xuất của nền kinh tế, nếu giá dầu tăng 10% thì chỉ số CPI sẽ tăng lên khoảng 0,36%. Do đó, tác động của giá xăng dầu tăng đối với nền kinh tế là rất rõ rệt. Từ nay đến cuối năm, đúng vào chu kỳ giáp Tết Nguyên Đán, khả năng giá dầu tăng sẽ cộng hưởng với nhịp tăng giá do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao ở Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch năng lượng
Trên thế giới hiện nay, việc cơ cấu thị trường năng lượng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu và bị thúc đẩy bởi ba yếu tố.
Một là, phát triển bền vững, sự nóng lên toàn cầu ngày càng là trọng tâm, chưa bao giờ các quốc gia có cam kết mạnh mẽ như hiện tại với việc giảm phát thải. Đây cũng chính là định hướng mà các quốc gia sẽ đưa ra những chính sách để hạn chế việc phát triển năng lượng hóa thạch, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các ngành năng lượng tái tạo.
Hai là an ninh năng lượng, từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukrain, các nước mới nhận ra quốc gia mình đã quá phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng bên ngoài và khi có biến động nguồn cung sẽ gây ra bất ổn về an ninh năng lượng. Họ bắt đầu dần dần muốn chủ động nguồn cung đa dạng hơn, bằng cách sẽ đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế mới.
Ba là về thị trường, khi đầu tư bất kỳ mảng năng lượng nào thì cũng phải cố gắng đảm bảo mức giá phù hợp và ổn định cho người dân. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này cũng cần rất nhiều thời gian.
Theo nhận định của Tổ chức Năng lượng thế giới, nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch gồm cả dầu mỏ, khí tự nhiên, hay than đá cũng sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10 năm nữa. Ít nhất trong 5 năm tới, giá dầu vẫn là trọng tâm của giới đầu tư về năng lượng, cũng như sẽ là mặt hàng giao dịch lớn nhất trên các sở giao dịch hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Giá dầu "bứt phá", lạm phát sẽ nóng trở lại?
04:30, 05/10/2023
“Cú sốc” tiềm ẩn với giá dầu
00:30, 02/10/2023
Giá dầu sẽ vượt mức 90 USD một thùng?
11:00, 08/09/2023
"Lỗ hổng" trần giá dầu giúp Nga kiếm lời hàng tỷ đô
04:00, 15/08/2023
“Chảo lửa” Biển Đen sẽ thổi bùng giá dầu thế giới?
04:00, 11/08/2023
Giá xăng giảm nhẹ, giá dầu có thể tăng trên 6%
00:30, 11/08/2023