Kinh tế Việt Nam 2018: Đâu là yếu tố cạnh tranh của DN Việt?

Nha Trang 22/04/2018 19:55

Nhiều chuyên gia nhận định, hội nhập sâu rộng cùng nhiều Hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng đặt nước ta vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Lạc quan về nền kinh tế

Toàn cảnh Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018: Nhận diện và hành động

Toàn cảnh Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018: Nhận diện và hành động

Nền kinh tế Việt Nam được nhận diện tích cực với nhiều con số khả quan. Năm 2017, tăng trưởng Việt Nam đạt kết quả cao nhất kể từ 2009 đến nay và đạt mức 6.81%. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với 2016, thấp hơn mục tiêu Quốc Hội đề ra; Lạm phát cơ bản (không tính giá dầu, giá lương thực, và đo hiệu quả của chính sách tiền tệ) so với cùng kỳ năm trước, bình quân cả năm tăng 1,41%; tăng trưởng 18,24%; Tỷ giá cơ bản ổn định; Xuất khẩu tăng 21,2%; Nhập khẩu tăng 20,6% so với 2016; Xuất siêu 2,9 tỷ USD; Dự trữ ngoại tệ tăng; Cán cân vãng lai thặng dư liên tục 7 năm liền,...

Riêng trong quý I/2018 GDP cũng đạt mức cap nhất từ 2009 đến nay ở mức 7,38%. Lạm phát ở mức thấp tăng 0,97% so với tháng 12/2017. Lạm phát cơ bản (không tính giá dầu, giá lương thực, và đo hiệu quả của chính sách tiền tệ) tăng 1,34% so với 3 tháng cùng kỳ; Xuất khẩu tăng 22%, Nhập khẩu tăng: 13,6 % so với cùng kỳ; Xuất siêu: khoảng 1,3 tỷ USD;...

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018: Nhận diện và hành động do Trường Doanh nhân PTI và Trường Kinh doanh PBS đồng tổ chức, nhận diện về kinh tế vĩ mô Việt Nam 2017-2018, Chuyên gia Trương ĐìnhTuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương), cho biết nền kinh tế Việt Nam đã có những bước ổn định vững chắc hơn. CPTPP đã ký và nhiều khả năng sẽ có hiệu lực trong năm nay và các FTA có thể ký trong năm 2018 (EVFTA) và 2019 (RCEP) sẽ tạo động lực thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ ngày càng cao yêu cầu nói phải đi đôi với làm và chuyển động trên đến các Bộ, địa phương, đơn vị trực tiếp thực hiện ngày càng mạnh.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, kinh tế Việt Nam có nhiều lợi điểm như dân số đông với hơn 90 triệu dân trong đó người trẻ đóng góp số lượng lớn, lao động VN năng động, hiếu học, VN xuất khẩu nhiều, có mối quan hệ sâu rộng với nhiều quốc gia,…

Doanh nghiệp và hành động

Cũng theo Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu cứ “ăn ngủ” trên hào nhoáng trên lợi điểm thì tới 10 năm nữa thì các vấn đề như nợ công, chi tiêu của chính phủ, tham nhũng, năng lực lao động kém,... của Việt Nam vẫn khó có thể khắc phục được.

"Theo Hiến pháp, Việt Nam là nước theo kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tuy nhiên, Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường thực thụ, thời gian qua vai trò của nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước còn mạnh nên xảy ra tình trạng nhiều DN làm ăn thua lỗ đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế VN.", ông Hiếu cho biết.

Từ đó, ông Hiếu đề xuất, Việt Nam cần đi tìm một mô hình phát triển trong đó đi vào kinh tế thị trường nhiều hơn. Giảm thiểu vai trò của nhà nước, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển,...

Với DN Việt cần tăng cường nghiên cứu thị trường, sản phẩm tại các thị trường trong nhóm CPTPP. Bên cạnh đó, mỗi DN cần xây dựng một bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro: rủi ro thị trường, rủi ro chính trị, rủi ro pháp lý, rủi ro đối tác, rủi ro thanh toán. Đồng thời, DN cần phân tích SWOT (Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) để xây dựng các kịch bản dựa trên các giả thuyết và tiền đề và có kế hoạch hành động và lộ trình thực hiện,...

Từ góc độ DN, Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Traphaco nhìn nhận, sự canh tranh xuất phát từ sự độc đáo, khác biệt, khai thác tiềm năng của đất nước con người Việt Nam. Có như vậy DN mới có thể cạnh tranh trong thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Kinh tế thị trường thì thị trường chính là định hướng, mục tiêu nên Dn cần chọn sản phẩm mà thị trường cần. Trong quá trình nghiên cứu tất nhiên phải có sự thay đổi DN cần lựa chọn và thích nghi, lấy nghiên cứu thị trường để đánh giá thị trường, lựa chọn sản phẩm kinh doanh.

"VN có nhược điểm đó là vấn đề hợp tác vì thói quen của Người Việt là “không thích hợp tác”, làm riêng thì tốt nhưng làm chung thì chưa ổn. Vì vậy, mỗi DN cần phải giáo dục thường xuyên thông qua văn hóa doanh nghiệp, thông qua KPI,… Nếu lãnh đạo quyết liệt, dân chủ, công khai minh bạch trong vấn đề đãi ngộ thì chắc chắn sẽ hợp tác được tất cả mọi lực lượng trong DN.", bà Thuận cho biết.

Các diễn giả tham dự tọa đàm tại Hội thảo

Các diễn giả tham dự tọa đàm tại Hội thảo.

Còn theo ông Triệu Văn Dương, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Trường Doanh nhân PTI cho biết trên thực tế, Cộng đồng văn hóa ASEAN, CPTPP hay WTO đều ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực Việt nam nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam có sự dịch chuyển hơi chậm hơn so với các quốc gia ASEAN và các ngành nghề đơn giản của VN cũng kém cạnh tranh. Nhiều tập đoàn đa quốc gia không tin tưởng nhiều lắm vào nhân sự cấp cao của VN, nhân sự chủ chốt đều là người của nước bản địa.

"Nhiều DN đi lên bằng kinh nghiệm, quan hệ, tài chính trong 1-2 năm đầu phát triển tốt nhưng sau đó khi hệ thống lớn hơn thì DN gặp rất nhiều vấn đề về quản trị, quy trình, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành. Vì vậy, DN cần có hội đồng chuyên gia, tư vấn, tham vấn về chiến lược, kiểm soát,….hoặc lên sàn chứng khoán, IPO với các hình thức khác nhau để các nhà  đầu tư sẽ chính là nhà tư vấn, kiểm soát, đầu tư về vốn, công nghệ, quản trị,… Bên cạnh đó, các DN doanh nhân cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình bằng chính hàm lượng chất xám của lãnh đạo, giới chủ, doanh nhân và sau đó là bộ phận quản lý và truyền cảm hứng tới sản phẩm, dịch vụ của chính công ty mình.", ông Dương cho biết.

Nha Trang