Mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung: “Bảo hiểm” sốt ruột, “y tế” dửng dưng?
BHXH vừa gửi Công văn số 1191/BHXH-DVT đề nghị Bộ Y tế ban hành danh mục bổ sung thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do cơ quan này thực hiện.
Trước đó, BHXH đã có Công văn số 4996/BHXH-DVT ngày 8/11/2017 đề nghị Bộ Y tế tiếp tục xem xét ban hành bổ sung danh mục thuốc quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Cơ sở để mở rộng danh mục thuốc này là kết quả đạt được từ việc thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia với thuốc bảo hiểm y tế do BHXH tổ chức thực hiện với 5 hoạt chất. Cụ thể, giá thuốc giảm 21,1% (trong đó biệt dược gốc giảm 13,8%, thuốc generic giảm 33,3%), tiết kiệm 251 tỷ đồng chi phí thuốc cho người dân và giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế.
Theo BHXH, hiện cơ quan này chưa thể tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung theo yêu cầu của Bộ Y tế, mà phải chờ đến cuối năm 2018. Nếu như phải chờ đến lúc đó mới tổ chức đấu thầu tiếp, thì BHXH chỉ có thể thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia sớm nhất là vào tháng 3/2019 và phải mất ít nhất 3 tháng nữa mới có kết quả đấu thầu. Như vậy, ít nhất 6 tháng đầu năm 2019, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải thực hiện các hình thức cung ứng thuốc khác để bảo đảm đủ thuốc cho nhu cầu điều trị.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu “tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc, kể cả đối với biệt dược gốc theo chỉ đạo của Chính phủ”. Vì vậy, việc mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung không thể chờ đến cuối năm 2018.
Hiện trung bình mỗi năm chi phí khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả lên tới trên dưới 90.000 tỷ đồng, trong đó, tiền thuốc chiếm tới 50 - 60%. Theo các chuyên gia, nếu danh mục thuốc đấu thầu tập trung được mở rộng hơn nữa thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa “lên tiếng” gì về việc mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung này.