Phát triển Logistics phải gắn với nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng
Mặc dù đầu tư công cho hạ tầng Việt Nam tăng đáng kể trong thời gian gần đây, tuy nhiên hạ tầng thương mại vẫn chưa đáp được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành logistics đạt 15-16% mỗi năm. Tuy nhiên, theo bảng tổng sắp chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới năm 2016, Việt Nam mới xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) một trong những mối quan tâm chính của EuroCham liên quan đến hạ tầng vận tải và logistics Việt Nam đó chính là hoạt động triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Theo đó, EuroCham cho rằng, hệ thống pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành với 414 văn bản và liên quan tới hàng chục cơ quan chức năng như vậy là quá cồng kềnh. Đáng chú ý, một số quy định cũng không cụ thể, thiếu rõ ràng dẫn đến áp dụng và diễn giải không nhất quán. Các quy định cũng không phù hợp với thực tế và chuẩn mực quốc tế.
Ví dụ, thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành không được thực hiện trong một cửa quốc gia mà vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng nhà nước bằng tài liệu gốc. Bởi vậy, EuroCham cho rằng nếu cho phép doanh nghiệp dùng bản điện tử để toàn bộ quy trình một cửa quốc gia được chuyển đổi thành nền tảng kỹ thuật số sẽ tạo ra một bước tiến mới, góp phần giúp logistics ở khâu xuất nhập khẩu nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp chủ quan của con người.
Ngoài ra, một doanh nhân có nhiều năm tham gia lĩnh vực xuất khẩu đã chỉ ra, hệ thống cảng đầu mối và tổ chức hoạt động của các khu kinh tế cảng của Việt Nam chưa thực sự bảo đảm cho một quốc gia xuất khẩu.
Lấy ví dụ tại địa phương có nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng như Hải Phòng, những cảng do tư nhân khai thác mặc dù có tính cạnh tranh cao, phục vụ tốt hơn nhưng quy mô lại nhỏ, năng lực bốc xếp hạn chế. Trong khi những cảng có vị trí thuận lợi hơn, cầu cảng dài đón được tàu lớn hầu hết do các đơn vị có vốn nhà nước nắm giữ, tuy nhiên tính thị trường, phục vụ kém hơn. Chính việc chưa có nhiều khu kinh tế cảng quy mô, tự động hóa cao để tiết giảm chi phí vận hành mà chủ yếu là manh mún, kho bãi nhỏ, hoạt động thủ công khiến chi phí cảng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam cao.
Chính vì vậy, hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với các quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng đã được đưa ra tại chương trình Nâng cao hiệu quả dịch vụ Logistics hồi tháng 2/2018.
Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực dịch vụ vận tải và logistics mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai Dự án Hệ thống Thống kê vận tải và Logistics. Dự án nhằm xây dựng một hệ thống quốc gia để thu thập, xử lý và công bố số liệu thống kê vận tải và logistics. Theo đó, dữ liệu sẽ được sử dụng cho các mục đích hoạch định chiến lược, xây dựng và giám sát thực thi chính sách về phát triển hạ tầng vận tải, thương mại và logistics, đồng thời giúp các doanh nghiệp logistics truy cập cơ sở dữ liệu tin cậy phục vụ cho phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Đây là một phần trong khuôn khổ chương trình phát triển logistics và thuận lợi hoá thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và WB.
Nhấn mạnh vai trò của dự án, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam: “Việc hình thành một hệ thống dữ liệu logistics bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và thực thi chính sách một cách hiện quả nhằm cải thiện hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh logistics của Việt Nam”.