Vì sao nhiều quỹ ngoại tháo chạy khỏi Việt Nam?
Một số quy định chưa rõ ràng liên quan đến hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp đã khiến nhiều nhà đầu tư ngoại ngán ngẩm.
Mới đây, một số quỹ ngoại đã thực hiện rút vốn đầu tư vì lý do lợi nhuận doanh nghiệp sau đầu tư sụt giảm hoặc bày tỏ về việc mất niềm đầu tư do một số quy định chưa rõ ràng liên quan đến hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm |
Quỹ ngoại ngán ngẩm
Cụ thể, đại diện quỹ đầu tư VinaCapital đã chia sẻ rằng, quỹ đầu tư này từng ghi nhận trường hợp, doanh nghiệp đã cổ phần hoá 1-2 năm, cơ quan kiểm toán nhà nước mới vào cuộc, kết luận và đề xuất truy thu một số khoản như cổ tức, thuế… mà theo vị này, đáng lẽ khi xây dựng phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, việc này đã phải được thực hiện và hoàn tất sau khi cổ phần hoá. Theo đó, điều này làm ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
“Điều này không chỉ gây bất ngờ mà còn lấy đi niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài”, vị này nhận định.
Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư khi chuẩn bị hoặc bắt tay tham gia cổ phần hoá một doanh nghiệp nhà nước vì cách thức cổ phần hoá “không giống ai”.
Ngoài ra, theo các nhà đầu tư, quỹ ngoại, quy định tài khoản vốn đầu tư đang làm khó họ.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) phải mở tài khoản vốn tại một ngân hàng ở Việt Nam.
Hiện nay, tài khoản vốn đầu tư được phân thành tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (TKVĐTGT) theo Thông tư 05/2014/TT-NHNN và tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (TKVĐTTT) theo Thông tư 19/2014/TT-NHNN.
Thực tế khi tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, với tư cách là thành viên hay cổ đông, NĐTNN hoàn toàn có đầy đủ các quyền để tham gia quản lý và điều hành doanh nghiệp tương ứng với phần vốn góp hay số cổ phần mà họ nắm giữ.
Tuy nhiên, trong trường hợp khi việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp dẫn đến NĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, NĐTNN sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký xin chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 26.1 của Luật Đầu tư 2014).
Theo đó, một số ngân hàng đã yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn FDI phải mở TKVĐTTT để NĐTNN chuyển tiền vốn đầu tư mặc dù những doanh nghiệp này không hề có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT). Để giải thích cho hành động trên, các ngân hàng lý giải rằng việc NĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên đã tạo ra cho NĐTNN khả năng trực tiếp tham gia điều hành và quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014 nên buộc doanh nghiệp phải mở TKVĐTTT để NĐTNN thực hiện hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư nước ngoài, việc áp dụng mà không có căn cứ pháp lý vô tình đã tạo nên một sự lúng túng và dè chừng cho các NĐTNN và các doanh nghiệp FDI vì lo sợ dòng tiền của NĐTNN không được chuyển đi đúng tài khoản và từ đó có thể sẽ dẫn đến một số hậu quả pháp lý phức tạp như bị xử lý/khóa tài khoản vốn đầu tư hay gặp khó khăn trong việc thu lại lợi nhuận từ tài khoản vốn đầu tư...
Câu chuyện quỹ ngoại quyết định rút vốn hoàn toàn khỏi doanh nghiệp khi doanh nghiệp thua lỗ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với một quỹ đầu tư đã có thâm niên hoạt động tại thị trường Việt Nam và trong bối cảnh dòng vốn đầu tư FDI những tháng đầu năm 2018 đang ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì rõ ràng đây là cần chuyện cần phải chú tâm hơn.
Cụ thể, tính đến tháng 5/2018, dòng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam đạt con số khoảng 10 tỷ USD, tương đương 81,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cả vốn đăng ký và vốn mở rộng đầu tư đều ghi nhận lần lượt chỉ đạt 83,2% và 52,6%.
Quay trở lại câu chuyện, mới đây, Quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) đã quyết định rút vốn hoàn toàn đầu tư tại Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Lý do được đưa ra khiến GIC quyết định rút vốn hoàn toàn là do lợi nhuận của Vinasun đã giảm sâu và lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 21% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, GIC đã có 4 năm hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam bằng việc rót vốn vào các định chế tài chính lớn.
Thay đổi chính sách cần lộ trình
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Denis Brunetti - đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, nhắc đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhà đầu tư nghĩ ngay đến đây là môi trường kinh doanh tin cậy, chất lượng, ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, ở đâu đó trong môi trường đầu tư vẫn còn những “góc khuất”. Điều này đã được thể hiện ở những câu chuyện đầu tư nêu trên từ các quỹ ngoại.
Vì vậy, ông Denis cũng khuyến nghị rằng: “Các quy định pháp lý cần có tính nhất quán để tránh hiểu sai và tránh các thay đổi bất ngờ, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và niềm tin chung của doanh nghiệp”.
Theo đó, vị này cũng cho rằng, những chương trình đối thoại mang tính xây dựng về những thay đổi chính sách sẽ là những tín hiệu tích cực và xây dựng hình ảnh Việt Nam tốt hơn dưới góc nhìn của nhà đầu tư, từ khó khuyến khích dòng vốn FDI không những được giữ vững mà còn mở rộng hơn nữa.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tính ổn định của chính sách pháp luật vẫn là mối quan ngại lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Cải thiện tình trạng này sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam thành công hơn nữa trong thu hút FDI.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI cho rằng: “Thay đổi chính sách cần phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ổn định, có lộ trình nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp chủ động trong điều hành chiến lược kinh doanh. Việt Nam cũng cần hình thành định hướng và chính sách mới về thu hút vốn FDI một cách ổn định, nhất quán và đồng bộ”.