Khi doanh nghiệp FDI “ăn không” những khoản chi phí khổng lồ

PGS,TS. Phan Duy Minh 23/07/2018 06:00

90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại TP. HCM kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.

Đây là một trong những thực trạng được chỉ ra liên quan đến nghi vấn doanh nghiệp FDI có hoạt động chuyển giá.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 24.700 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 318 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 170 tỷ USD. Cũng theo con số thống kê, trong số các dự án FDI đang hoạt động là chi nhánh, công ty con của hơn 1.600 tập đoàn đa quốc gia (MNC) lớn nhỏ trên thế  giới. Trong đó, đại bộ phận các MNC khổng lồ đều đã có chi nhánh và công ty con ở Việt Nam.

Có thể nói, khu vực kinh tế FDI là một bộ phận hết sức quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Ở đó có hơn 5 triệu lao động làm việc trực tiếp và hàng chục triệu lao động gián tiếp khác. Hàng năm kinh tế FDI đã đóng góp khoảng 1⁄4 GDP của nền kinh tế, hơn 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và gần 20% trong tổng thu NSNN.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực nổi bật là chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư...

Doanh nghiệp lỗ liên lục nhiều năm

Metro

Ảnh minh hoạ, nguồn: internet.

Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Tại TP. HCM tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục. Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011.

Các báo cáo của cơ quan Thuế cho thấy, các doanh nghiệp FDI khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến.

Đặc biệt, ở TP. HCM, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề  đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ ” về chuyển giá, phải nói đến Công ty Coca Cola Việt Nam. Trong gần 25 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty này đã  lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả  số  vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng.

Do lỗ liên tục như vậy nên Coca Cola Việt Nam chưa hề đóng đồng thu TNDN nào cho Chính phủ Việt Nam, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20 -30%/năm. Tuy lỗ lớn như vậy nhưng doanh nghiệp này đều có kế  hoạch tiếp tục đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.

Một công ty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên đến hơn 1.200 tỷ đồng là Công ty PepsiCo Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1991, gần 20 năm đầu PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy, PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy  mới ở Đồng Nai trị giá 45 triệu USD và tại Bắc Ninh trị giá 73 triệu USD.

Trước vấn nạn chuyển giá ngày càng gia tăng, năm 2012 Tổng cục Thuế xây dựng chương trình thanh tra kiểm soát giá chuyển nhượng trong giai đoạn 2012-2015, đồng thời, quyết định thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng. Chỉ tính trong 3 năm kể từ khi Tổng cục Thuế  thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng đã phát hiện nhiều vụ việc chuyển giá, với giá trị  điều chỉnh rất lớn. Tại các Cục Thuế  địa phương đều đã quyết liệt thực hiện thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp.

Tại Cục thuế  TP. HCM, ngay trong năm 2012, cơ quan này đã thanh tra doanh nghiệp kê khai lỗ và doanh nghiệp giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả , đã giảm lỗ hơn 2.688,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ 86,8 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 2.611 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến hết năm 2015, ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng với 130 doanh nghiệp, điều chỉnh giảm lỗ khoảng 2.962 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.430 tỉ đồng và truy thu được 724 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Đau đầu” nạn chuyển giá: Do Luật thiếu và yếu?

    “Đau đầu” nạn chuyển giá: Do Luật thiếu và yếu?

    00:57, 23/07/2018

  • Nhận diện doanh nghiệp chuyển giá

    Nhận diện doanh nghiệp chuyển giá

    05:10, 22/07/2018

  • Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu”

    Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu”

    05:37, 14/07/2018

3 tác động tiêu cực đối với nền kinh tế

Rõ ràng là, hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI hầu như chỉ làm lợi duy nhất cho các doanh nghiệp đó và tập đoàn MNC của họ mà thôi. Ngược lại, đã gây bất lợi, tác động xấu đến nhiều mặt của nước sở tại tiếp nhận FDI. Có thể thấy ảnh hưởng xấu đó trên nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là trên 3 khía cạnh sau đây.

Thứ nhất, Gây thất thu lớn cho NSNN quốc gia sở tại. Hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI chủ yếu và phổ biến nhất là để trốn, tránh phải nộp thu  TNDN, với “bài ca” quen thuộc là làm giảm đến mức thấp nhất có thể lợi nhuận chịu thuế và thượng sách là lỗ một cách hợp lý, hợp pháp. Thực tế chỉ ra trên đây cho thấy, 50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam báo lỗ. Lỗ có nghĩa là thuế  TNDN họ phải nộp cho Chính phủ Việt Nam là con số 0. Lỗ nhưng họ không hề có ý dừng hoạt động kinh doanh, ngược lại, còn tiếp tục xin tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh!

Trong khi đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút FDI cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hàng năm, Nhà nước Việt Nam đã chi ra những khoản tiền khổng lồ nhằm sản xuất cung cấp các hàng hóa công cộng, như quốc phòng để giữ vừng nền hòa bình, ổn định chính trị; an ninh để đảm bảo sự  an toàn; bảo vệ môi trường để có môi trường trong sach; đối ngoại để tạo ra sự thuận lợi trong giao lưu kinh tế ; xây dựng pháp luật, quản lý xã  hội để tạo ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thực hiện các thủ tục trôi chảy...

Các nhà đầu tư FDI đều đã  được hưởng trọn vẹn các hàng hóa công cộng đó, và nhờ những sự thụ hưởng ấy (nhưng chưa hề trả  phí) đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các khoản lợi nhuận khổng lồ chảy đều đặn vào túi họ. Đáng lẽ với quy luật thông thường của kinh tế thị  trường “ai hưởng lợi phải trả  tiền”, giờ đây thu được lợi nhuận họ phải trích một phần nộp thuế  TNDN cho Chính phủ nước sở tại là hoàn toàn công bằng, thì ngược lại, họ đã tìm mọi cách trốn tránh thông qua chuyển giá để nhằm “ăn không” những khoản chi phí  khổng lồ đó.

Thứ hai, Tạo ra sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo thị trường.

Rõ ràng là, việc các doanh nghiệp FDI trốn tránh được thuế TNDN, trong khi các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác phải nộp đầy đủ thuế TNDN cho Nhà nước là không công bằng. Đó là chưa kể, bản thân các doanh nghiệp FDI thường được hưởng nhiều ưu đãi hơn về điều kiện kinh doanh, như ưu đãi về giá thuê đất, thường được giành vị trí kinh doanh thuận lợi, ưu đãi thuế  nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, thiết bị , công nghệ...

Cũng do trốn tránh được một khoản đáng kể thuế TNDN, các doanh nghiệp FDI sẽ mạnh tay hơn trong việc chi cho quảng cáo, tiếp thị, trích tỷ lệ hoa hồng, chiết khấu... cao hơn. Những biện pháp này là để nhằm tăng sức cạnh tranh, nhưng thật ra là sự “chơi trội”, không lành mạnh, chèn ép nhiều loại hình doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, do “được phép lỗ” nên không ít doanh nghiệp FDI đã cố  tình hạ thấp giá bán sản phẩm, áp dụng nhiều chiêu “khuyến mại” vô lý, bóp méo thị trường, gây ra những hỗn loạn không đáng có, làm cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuộc các thành phần khác rơi vào cảnh lao đao, khón khó, thậm chí là phá sản...Để rồi từ đó mà họ kiếm lợi do “đục nước béo cò”.

Thứ ba, Làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia. Phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên của quốc gia với nhiều lợi thế so sánh. Các lợi thế so sánh này đã mang lại những khoản lợi nhuận siêu ngạch không nhỏ cho nhà đầu tư.

Đồng thời, về nguyên tắc là chúng phải được điều tiết một phần đáng kể để lại cho quốc gia để đầu tư cho các công trình công cộng mang tính “phúc lợi quốc gia”, mọi người đều được hưởng. Thế mà, do họat động chuyển giá, các doanh nghiệp FDI lại báo lỗ, nên không đóng góp một chút lợi nhuận nào cho quốc gia sở tại, thay vì chúng đã được chuyển hết về cho công ty mẹ.

Cứ như vậy, các nguồn lợi của quốc gia sở tại sẽ lần lượt bị các doanh nghiệp FDI bòn rút hết để đưa về chính quốc. Hậu quả là, sau một quá trình hoạt động, các nguồn lợi trù phú của quốc gia sở tại sẽ biến mất dần. Thay vào đó là các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, kinh tế không thể cất cánh nổi, mà cứ luẩn quẩn mãi trong “bẫy thu nhập trung bình”. Hình  ảnh này không hề hiếm gặp ở nhiều quốc gia châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin. Đối với Việt Nam chúng ta, nguy cơ này là không hề nhỏ.

PGS,TS. Phan Duy Minh