"Bộ lọc" mới cho hoạt động thu hút FDI
Tăng cường biện pháp quản lý về lợi nhuận, nộp ngân sách, tình trạng chuyển giá... và đồng thời ra soát lại các chính sách ưu đãi của doanh nghiệp FDI.
Đây là một trong những chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về chính sách, định hướng mới thu hút FDI trong thời gian tới tại buổi Họp báo "Công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp 2018", mới đây.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, tổng kết 30 năm thu hút FDI có thể thấy thực trạng, các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước, tuy nhiên, thuế đóng góp khoảng 14%, như vậy GDP nhiều song đóng góp cho ngân sách còn ít. Vì vậy, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải: "Tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ về lợi nhuận, nộp ngân sách, tình trạng chuyển giá, quy mô tăng lên, lợi nhuận khai báo thấp...và đồng thời ra soát lại các chính sách ưu đãi".
Theo đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần thiết phải ban hành chiến lược thu hút FDI thế hệ mới và quan điểm nhất quán của Chính phủ là: "Mặc dù, chưa có sự phát triển đồng đều giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI, tuy nhiên cả hai khu vực này phải phát triển mạnh lên, phải kết nối được với nhau. Để làm được điều này Việt Nam phải thu hút FDI có chọn lọc hơn".
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề xuất 4 giải pháp để thu hút FDI có chọn lọc hơn trong thời gian tới. Cụ thể,
Một là, chọn lọc FDI đầu tư vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Ví dụ như nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao...
Hai là, chọn lọc doanh nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, mới đây có báo cáo đánh giá về mức độ công nghệ mà doanh nghiệp FDI đang sử dụng là mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến, hoặc cao nhất là khá, chưa phải là những công nghệ hàng đầu. Vì vậy, trong thời gian tới, cũng cần phải chú trọng thu hút công nghệ cao tốt hơn.
Ba là, thu hút FDI đảm bảo các tiêu chuẩn và thân thiện với môi trường. Bởi theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, công nghệ chỉ là một trong những điều kiện đảm bảo về môi trường, tuy nhiên, không có nghĩa thu hút được FDI có yếu tố công nghệ cao là sẽ đảm bảo được những yêu cầu về môi trường.
Bốn là, tăng cường năng lực của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, để doanh nghiệp FDI sẵn sàng liên kết với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định: "FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và bất cứ bộ phận doanh nghiệp nào cũng có mặt tiêu cực và hạn chế, điều quan trọng là làm thế nào để khai thác được mặt tích cực và làm tốt việc khắc phục mặt chưa tốt của mỗi khu vực doanh nghiệp".
Cũng liên quan đến câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, hiện nay, FDI đã có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn những mặt chưa đúng chưa như kỳ vọng của Việt Nam và sẽ có chính sách điều chỉnh.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Sẽ có chính sách mới, định hướng mới và bộ lọc mới theo đó chú trọng theo hướng lan toả, chuyển giao công nghệ và kết nối giữa doanh nghiệp trong nước vào nước ngoài cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trong giai đoạn hiện nay”.
Được biết, tới đây, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ xây dựng công cụ quản lý FDI bằng các chỉ số nhằm không chỉ phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp ưu đãi đầu tư, mà còn đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI. Tất cả sẽ được lượng hóa ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư để các địa phương dễ dàng hơn trong việc đưa ra lựa chọn của mình.
Bộ chỉ số này, theo dự kiến, sẽ bao gồm suất đầu tư/diện tích đất sử dụng đối với một số dự án chiếm đất lớn; lao động/vốn đầu tư để xác định mức độ thâm dụng lao động; tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/tổng vốn đầu tư; tỷ lệ đào tạo và sử dụng lao động có kỹ thuật, quản lý/tổng lao động; đầu tư cho bảo vệ môi trường/tổng vốn đầu tư… Thậm chí, để cấp ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp FDI, sẽ phải dựa vào các tiêu chí cụ thể, như mức độ sử dụng nguyên liệu đầu vào từ doanh nghiệp trong nước; số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia liên kết; giá trị xuất khẩu được tạo ra/nhập khẩu được thay thế; đầu tư R&D/vốn thực hiện; vốn đầu tư cho đào tạo, nâng cao trình độ lao động, đào tạo lại/vốn đầu tư…