Lượng hoá thể chế đầu tư công bằng cách nào?
Nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công không chỉ là trách nhiệm của riêng một đạo luật, hay riêng một bộ ngành nào, mà liên quan đến chu trình quản lý với các bên tham gia đầu tư công.
Được biết, khung đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của các quốc gia được đánh giá theo 3 nhóm tiêu chí: mức độ bền vững của kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đầu tư công được phân bổ vào đúng ngành và dự ánvà cung cấp tài sản công bền vững và hiệu quả, với 15 chỉ tiêu.
Việt Nam đạt 0,7/2 điểm
Cụ thể, các chỉ tiêu về tài khóa, chiến lược ngành, chiến lược quốc gia cho đến sự tuân thủ các dòng vốn đầu tư công đảm bảo định hướng tái cơ cấu kinh tế cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Tiếp đó là chỉ tiêu về sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc đưa ra các danh mục dự án, chủ trương đầu tư; sắp xếp ưu tiên dự án… và cuối cùng là quản lý, đánh giá dự án sau đầu tư.
Tất cả các “bước” này có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy, để cải thiện một “bước” trong chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công thì phải nâng cao toàn bộ chất lượng của chuỗi.
Được biết, theo khung đánh giá của IMF, hiện điểm trung bình của Việt Nam chỉ đạt 0,7 điểm trên thang điểm từ 0 - 2 điểm, thuộc mức thấp so với các nước đang phát triển.
Theo phân tích của ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: “Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, phải cải thiện chất lượng của 15 bước, tạo tính cộng hưởng nâng cao hiệu quả dự án”.
Theo đó, ông Đinh Trọng Thắng phân tích, trong 15 bước nêu trên, có 2 bước quan trọng. Đó là lựa chọn thẩm định và sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án đầu tư công dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội dự tính của dự án. Tức là, phải so sánh được các dự án khác nhau thuộc các ngành khác nhau để thấy được hiệu quả và chọn ra được dự án tốt để đầu tư.
“Tuy nhiên, hai bước này trong thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam chưa mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn dự án đầu tư lâu nay thường dựa trên cảm tính hơn là tiêu chí đánh giá định lượng”, ông Thắng khẳng định.
Giải pháp nào?
Được biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án sau đầu tư, góp phần lượng hoá mức độ hiệu quả các dự án đầu tư công, tránh việc đầu tư diàn trải và hiệu quả thấp hiện nay.
Theo đó, bộ tiêu chí này sẽ đánh giá hiệu quả dự án sau đầu tư theo 3 nguyên tắc, tuân thủ thông lệ quốc tế tốt, dựa trên thực tiễn ở Việt Nam và dựa trên khuôn khổ pháp lý đã có.
Việc tuân thủ nguyên thông lệ quốc tế tốt bởi tính chất đặc thù các dự án đầu tư công của Việt Nam cũng không có gì khác biệt quá lớn so với thế giới, đều là đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông…
Được biết, bộ tiêu chí đánh giá này là một trong những cách thức mới về thẩm định và ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư công dựa trên nền tảng các dự án đầu tư công phải được đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội đối với toàn bộ nền kinh tế, toàn bộ người dân chứ không chỉ đánh giá về mặt tài chính, nhóm người…
Dự kiến bộ chỉ tiêu này sẽ bao gồm các nhóm chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; Nhóm chỉ tiêu về tính bền vững và chống chịu rủi ro; Nhóm chỉ tiêu đảm bảo cân bằng giữa các vùng miền, ủng hộ nhóm người yếu thế. Định hướng chung vẫn là tuân thủ theo chiến lược phát triển, cơ cấu nền kinh tế và theo quy hoạch có liên quan…