Điều gì sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư Nhật Bản trong năm 2019?

Ngọc Hà 22/12/2018 00:02

Mặc dù, đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên, những nút thắt về công nghiệp hỗ trợ vẫn đang là rào cản làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trước nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Tại Hội nghị “Định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư tại Việt Nam đã chia sẻ những trăn trở của doanh nghiệp mình.

Điểm đến đầu tư cạnh tranh

Công

Theo đó, ông Tetsu Funayama – Ủy viên Ban lãnh đạo, Trưởng ban Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo lý giải của ông Tetsu Funayama, đây cũng là một trong những lý do chính khiến 66% doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong thời gian tới.

Còn nhớ, cách đây không lâu, nhận định về triển vọng thị trường đầu tư Việt Nam dưới góc nhìn của doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2019 và giai đoạn tới, ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định: “Đó là, nền chính trị, an ninh tốt, chính sách ổn định, và giá nhân công vẫn còn rẻ”.

Theo phân tích của ông Takimoto Koji, so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á thì tình hình ổn định chính sách của Việt Nam cao hơn, trong khi các nước khác thường thay đổi “rất nhanh”, thậm chí là “thần tốc”. Đây cũng chính là nét tương đồng giữa môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam so với Nhật Bản.

Ngoài ra, liên quan đến yếu tố giá nhân công vẫn còn rẻ, ông Takimoto Koji dẫn chứng, trong năm 2017, Việt Nam được “lưu ý” về chi phí lao động đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, hiện nay Việt Nam đang xếp thứ 6 trên bảng tổng sắp của khu vực Đông Nam Á về chi phí nhân công. Tuy nhiên, lương nhân công mà các công ty Nhật Bản trả cho công nhân lẫn quản lý ở Việt Nam chỉ gần bằng ½ so với chi phí phải trả tại thị trường Thái Lan.

“Nút thắt” dai dẳng

Bên cạnh các yếu tố vừa nêu, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng cho rằng, bên cạnh những lợi thế về môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, thị trường tiêu thụ với hơn 90 triệu dân, và nguồn lao động giá rẻ… môi trường đầu tư Việt Nam vẫn tồn tại những “nút thắt” lớn.

“Trong đó, “nút thắt” được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều nhất là công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của các doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế lớn”, ông Tetsu Funayama thẳng thắn chỉ ra.

Cụ thể, khi một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam để sản xuất một nhu yếu phẩm gì đó, họ thường phải chi nhiều tiền để mua máy móc, thiết bị hoặc phải thuê nhân sự tốt nhằm đảm bảo sản phẩm của mình đạt những mục tiêu an toàn, vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản. Bởi hiện nay, các sản phẩm từ doanh nghiệp nội chưa đáp ứng được chất lượng mà những doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu. Theo đó, điều này dẫn đến giá thành sản xuất các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Còn nhớ, đây cũng chính là một trong những "rào cản" trong hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam được chỉ ra từ báo cáo khảo sát của JETRO công bố hồi đầu năm.

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Hiện nay, việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia trong khu vực đang ngày một cạnh tranh gay gắt, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra những dòng dịch chuyển nguồn vốn mới, vì vậy, việc lựa chọn và định hướng thu hút các dòng vốn đòi hỏi phải có sự chọn lọc và khắt khe hơn.

Liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, định hướng trong thời gian tới đó là tập trung thu hút các tập đoàn đa Quốc gia tham gia hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị, nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI. Đồng thời, tạo liên kết giữa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa liên kết với tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đề xuất một trong những giải pháp nhằm gỡ nút thắt về phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Tetsu Funayama khuyến nghị: “Chính phủ và các Bộ, Ngành, địa phương của Việt Nam cần đưa ra những chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”.

Cụ thể, đó là việc nâng cao năng lực khoa học, kỹ thuật, sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực Việt Nam và yếu tố nền tảng là xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp. Đặc biệt là phát triển công nghiệp hỗ trợ để hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong khu vực chế tạo của Việt Nam. Đây cũng chính là những đề xuất mà JCCI cũng đã từng kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên kỳ cuối năm 2018 được tổ chức mới đây.

Ngọc Hà