Nỗi lo nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI
Năm 2018, mặc dù, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội đã cao hơn các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI.
Đó là một trong những nội dung chính được chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành đưa ra mới đây, liên quan đến nhận định về “bức tranh” tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Theo phân tích của TS Võ Trí Trành, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điển hình là Samsung và Formosa, vẫn chiếm vai trò quan trọng và chi phối hoạt động xuất khẩu.
Cụ thể, trong năm 2018, cả Samsung và Formosa đều có kết quả hoạt động tốt. Năm 2017, Samsung xuất khẩu 53 - 54 tỷ USD, năm 2018 là trên 60 tỷ USD (tăng trưởng 12%) và chiếm 1/4 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này gợi nhớ lại câu chuyện về “sự phụ thuộc” của nền kinh tế với những doanh nghiệp FDI, một câu chuyện chưa bao giờ cũ.
Đáng nói, con số xuất siêu của khu vực này đang có chiều hướng gia tăng. Theo đó, tính chung khu vực FDI đã xuất siêu 32,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 30,5 tỷ USD không kể dầu thô trong năm 2018.
Cụ thể, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm đến gần 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu không kể dầu thô đạt 173,2 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu.
Về nhập khẩu, năm 2018 doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu 142,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60,1% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Những con số này “nói rằng”, hoạt động sản xuất chủ yếu được tổ chức và điều phối bởi các công ty đa quốc gia (MNCs) đến từ các nước phát triển, sau đó cũng lại được xuất khẩu phần lớn sang các nước phát triển. Còn các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung ở khâu gia công và lắp ráp, là khâu dễ nhất và nằm ở dưới đáy “đường cong nụ cười”.
Theo đó, điều này sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong nước trở thành các nhà “gia công chuyên nghiệp” cho các công ty FDI cũng như cho các công ty thương mại nước ngoài. Hệ quả là giá trị gia tăng tạo ra rất thấp, không những thế lại có rất ít khả năng cải tiến công nghệ, nâng cấp sản phẩm, chủ động tham gia chuỗi cung ứng, hay được hưởng hiệu ứng lan tỏa từ khu vực FDI.
Kết quả là sau một thời gian dài chỉ làm gia công, các doanh nghiệp này không còn có năng lực để theo đuổi bất kỳ một lựa chọn nào khác - tức là đã bị rơi vào “bẫy gia công” giá trị thấp. Làm thế nào để thoát ra khỏi “bẫy gia công” này là một thách thức quan trọng nữa của chính sách phát triển doanh nghiệp và công nghiệp quốc gia.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh – Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fullbright Việt Nam đã từng nhận định rằng: “Một nền công nghiệp (và xuất khẩu) nếu chỉ phụ thuộc vào FDI 10 năm là nền công nghiệp thành công, phụ thuộc 20 năm vẫn có thể chấp nhận được, nhưng nếu sau 30 năm mà vẫn phụ thuộc ngày một nặng nề hơn thì có thể coi là thất bại”.
Đáng nói, sự phụ thuộc này theo TS Vũ Thành Tự Anh một mặt làm xói mòn động lực cải cách thể chế, phát triển tư nhân trong nước và nâng cấp công nghiệp nội địa. Mặt khác, nó còn đặt nền kinh tế trước những rủi ro to lớn: chiến tranh thương mại hay khủng hoảng kinh tế có thể làm đảo chiều dòng vốn và thu hẹp thị trường xuất khẩu.
Đồng tình với quan điểm này, TS Võ Trí Thành cho biết, mặc dù Việt Nam được dự báo sẽ là điểm đến cho dòng dịch chuyển đầu tư, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Tuy nhiên về lâu dài, cuộc chiến tranh này sẽ đem lại nhiều tiêu cực hơn là tích cực.