Định hướng chính sách chiến lược thu hút FDI thế hệ mới (Kỳ II): Những hạn chế đang bị che khuất?
Làm thế nào để tối đa hoá những tác động tích cực từ khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành thách thức nếu thiếu các chính sách mang tính chiến lược.
Mặc dù, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút FDI, điều này được thể hiện ở các chỉ số về đầu tư FDI đều ấn tượng tuy nhiên, đầu tư FDI vẫn chưa đủ sức tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tăng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nâng cao đáng kể tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng xuất khẩu.
Theo đó, Việt Nam đang đứng trước một vấn đề nan giải. Trong bối cảnh Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng và chiếm tỷ trọng vốn FDI lớn trong ASEAN nhiều nhà quan sát và các bên liên quan chắc chắn không bỏ qua câu hỏi về hiệu quả của chiến lược thế hệ mới khi công tác xúc tiến đầu tư hiện nay đãng cho thấy vẫn có hiệu quả với dòng vốn FDI đáng kể nêu trên. Tuy nhiên, tối đa hoá đầy đủ tác động của FDI vẫn là một thách thức nếu thiếu một số cải cách chính sách mang tính chiến lược.
Điều quan trọng là phải hiểu rõ cả những kỳ vọng và yếu tố ảnh hưởng mà về cơ bản có thể tham chiếu Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020 có tầm nhìn phù hợp và được hoan nghênh nhưng vẫn có những lỗ hổng sau 5-6 năm thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội. Theo đó, ngày càng có thể nhận thấy rằng Việt Nam đang còn ở mức thấp so với một số mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, Một là, mục tiêu “phát triển mạnh lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày một cao”. Tuy nhiên, thực trạng tính đến quý 1/2018 thì chênh lệch về trình độ đã nới rộng chứ không thu hẹp. Theo đó, chưa đến 20% lực lượng lao động hiện nay có trình độ chuyên môn, trong khi đó Việt Nam cần tạo thêm hơn 700 nghìn việc làm mới mỗi năm chỉ để theo kịp tốc độ tăng của lực lượng lao động.
Hai là, mục tiêu tập trung đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục quốc gia. Những nhà đầu tư được phỏng vấn bởi Nhóm Ngân hàng Thế giới trong Quý II và Quý III năm 2017 khi thực hiện xây dựng Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới cho biết không cảm nhận thấy sự cải thiện trong lĩnh vực này. Đồng thời, cho biết có khoảng cách ngày càng tăng giữa cung và cầu về kỹ năng.
Ba là, mục tiêu “ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu trong những ngành như công nghệ cao, ICT, dược phẩm... phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ...”. Chỉ sau 7-8 năm thực hiện, Chiến lược mới bắt đầu tạo được một số kết quả. Tuy nhiên, sự hội nhập của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu trên thực tế còn thấp và đó chính là một lý do nữa mà Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cần đặc biệt chú trọng vào việc phát triển mạng lưới nhà cung cấp trong nước để thúc đẩy quá trình hội nhập, liên kết này.
Bốn là, mục tiêu “phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ có giá trị, tiềm năng, năng lực cạnh tranh cao”. Mặc dù Việt Nam có một số thế mạnh lớn về lĩnh vực này tuy nhiên hiếm khi được tiếp thị một cách bài bản, chủ động tới những đối tượng mục tiêu được xác định phù hợp. Ngoài ra, những ngành dịch vụ quan trọng vốn là nền tảng để các chuỗi giá trị toàn cầu vận hành cũng có một số hạn chế gia nhập và các rào càn khác, khiến kết quả thu hút FDI chưa như mong muốn.
Năm là, mục tiêu “hài hoà, bền vữngtrong phát triển vùng miền, xây dựng các khu vực thành thị và nông thôn mới”. Tính đến nay, đầu tư FDI có mức tập trung cao về mặt địa lý, hơn 70% FDI chỉ tập trung vào 11/63 tỉnh thành của Việt Nam.
Sáu là, mục tiêu “xây dựng, triển khai các chương trình về đổi mới công nghệ quốc gia”. Trong khuôn khổ chỉ số về mức độ sẵn sàng tiên tiến của sản phẩm 2018 theo đánh giá Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam có điểm số rất thấp về công nghệ và sáng tạo, đổi mới.
Có thể bạn quan tâm
Định hướng chính sách chiến lược thu hút FDI thế hệ mới (Kỳ I): 2 trọng tâm khuyến nghị
12:14, 19/01/2019
=>> Kỳ III: Luật và chính sách vẫn mang nặng tính "khẩu hiệu" hơn là thực chất?