4 rủi ro cản nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam

TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban tài chính Quốc gia 02/02/2019 05:28

Để huy động được nguồn vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt là tư nhân nước ngoài vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam phải khắc phục được 4 rủi ro chính.

df

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam

Đối với những công trình đầu tư lớn nói chung thì việc huy động vốn tư nhân là hoàn toàn đúng. Trong đó, nguồn vốn từ Chính phủ đóng vai trò vốn mồi, còn lại có thể huy động nguồn vốn phi chính phủ.

Tuy nhiên, để huy động vốn tư nhân Việt Nam thì thực sự khó, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, không thích hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Tư nhân của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt thế giới mới là doanh nghiệp vừa, và mới chỉ có một vài doanh nghiệp lớn.

Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư trong các dự án nói chung và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nói riêng đích đến không phải là tư nhân trong nước, mà còn là tư nhân nước ngoài. Theo đó, với năng lực và khả năng huy động tài chính, doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể tham gia vào những hạng mục đầu tư của dự án mang tính chất địa phương. Ví dụ, trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc –Nam, nhà đầu tư tư nhân trong nước có thể tham gia vào việc xây dựng nhà ga, xây dựng trung tâm logstics, hoặc tham gia một phần vào việc vận hành hệ thống đường sắt, hoặc cũng có thể tham gia một phần vào việc mua sắm tàu và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Còn lại, với những hạng mục chính của dự án hướng tới nguồn vốn nước ngoài.

Để thu hút được nguồn vốn tư nhân nước ngoài cần khắc phục được 4 vấn đề, và nếu khắc phục được nhà đầu tư tư nhân sẽ “nhảy vào” Việt Nam.

Một là, rủi ro chính phủ. Ví dụ, theo kế hoạch, đến ngày này, giờ này sẽ giải phóng xong mặt bằng, có một quy hoạch rõ ràng tuy nhiên đến hẹn lại vẫn chưa xong mà thường kéo dài 2-3 năm. Với độ trễ như vậy thì không có nhà đầu tư nào muốn làm việc với một dự án như thế. Đây được xem là một trong những rủi ro lớn nhất trong hoạt động đầu tư vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Hai là, rủi ro hối đoái. Nghĩa là, nếu ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang bỏ ra 23 triệu VNĐ /nghìn USD, mai kia khi có lợi nhuận, chuyển tiền về nước, liệu tỷ giá của đồng Việt Nam có còn 23 triệu VNĐ/ 1 ngàn USD nữa không? 

Nếu đây được xem là rủi ro của chính sách kinh tế vĩ mô thì có thể khắc phục được, với mỗi năm chỉ tăng một vài phần trăm thì sẽ không phải vấn đề. Tuy nhiên, nếu các dự án đầu tư diễn ra trong một thời gian dài hàng chục năm thì đó cũng là vấn đề với nhà đầu tư.

Ba là, rủi ro về doanh thu. Điều này có thể hiểu như khi thẩm định dự án, nhà đầu tư dự đoán mật độ người tham gia giao thông trên tuyến đường này là từng này trên một năm, tuy nhiên khi triển khai thực tế nhỡ không đạt được con số như thế thì sao?

Theo đó, trong một số dự án, khi khảo sát những năm đầu doanh thu có thể không đạt, tuy nhiên, những năm sau đều đạt như dự kiến, thậm chí có những năm còn cao hơn. Rủi ro này cũng là rủi ro tất yếu của thị trường và có thể chấp nhận được.

Bốn là, rủi ro lợi nhuận. Mặc dù, hợp đồng đầu tư đã xây dựng theo hình thức PPP, tuy nhiên lại quy định mức lợi nhuận cho nhà đầu tư là 14%. Theo các nhà đầu tư, quy định như vậy là không hợp lý.

Bởi, khi đã tham gia đầu tư vào dự án theo mô hình PPP thì nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận luật chơi “lời ăn lỗ chịu”, tuy nhiên Nhà nước lại quy định và khống chế tỷ suất lợi nhuận, khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao chỉ được mức lợi suất là 14%? Nếu nhà đầu tư có lợi nhuận 30% thì Nhà nước sẽ thu hồi lợi nhuận? Hay nếu nhà đầu tư chỉ được 10% thôi thì Nhà nước có bù lỗ thêm không?

Về nguyên tắc, khi nhà đầu tư bỏ vốn ra là đã chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Nếu trong trường hợp quy định tỷ lệ lợi suất, nhà đầu tư cho rằng nên quy định cao hơn và ở mức 17-18% trở lên. 

Đó là 4 rủi ro mà các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi tham gia đầu tư vào Việt Nam theo mô hình PPP.

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư Việt Nam, bên cạnh 4 rủi ro đó, thì có 2 rủi ro đặc thù khác, mà nhà đầu tư Việt Nam quan râm đó là sự hồi tố của Luật pháp và thời gian triển khai dự án quá dài.

TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban tài chính Quốc gia