Nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn gì ở môi trường đầu tư của Việt Nam?
Mặc dù có những triển vọng lạc quan về môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm 2019, và giai đoạn tới, tuy nhiên nhà đầu tư Nhật Bản vẫn còn những băn khoăn, lo ngại.
Theo phân tích của ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có 3 nét nổi bật so với các quốc gia khác trong khu vực đó là nền chính trị - an ninh tốt, chính sách ổn định và giá nhân công vẫn còn rẻ.
Phân tích về yếu tố chính sách ổn định, ông Takimoto Koji cho biết, ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, chính sách của Nhà nước thường thay đổi rất nhanh và “thần tốc”, tuy nhiên tại Việt Nam không thế. Vì vậy đây được xem là điểm cộng lớn của môi trường đầu tư Việt Nam trong góc nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Có lẽ, điều này cũng phần nào lý giải, trong tháng 1 vừa qua, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư có số vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 364 triệu USD.
Tuy nhiên, khi chia sẻ về triển vọng đầu tư và làm thế nào để thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và dòng vốn chất lượng, ông Takimoto Koji bày tỏ quan điểm: “Đứng trên lập trường của các nhà đầu tư Nhật Bản, chúng tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên ưu tiên tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng”.
Theo đó, ông Takimoto Koji cũng thông tin, mới đây, Jetro được thông báo từ Chính phủ Việt Nam, đến năm 2022, Việt Nam có thể bị thiếu điện, thông tin này đang khiến các doanh nghiệp Nhật rất lo lắng. Bên cạnh đó thì cũng phải kể đến việc TP. HCM bị ngập lụt nặng nề do ảnh hưởng của bão Usagi hay tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nặng do xử lý nước, rác thải không tốt đều ảnh hưởng xấu tới rất nhiều doanh nghiệp Nhật.
Ngoài yếu tố về việc cải thiện cơ sở hạ tầng, yếu tố then chốt đề thu hút đầu tư, thì bên cạnh đó việc đảm bảo nguồn lao động chất lượng ở các thành phố lớn, cũng quan trọng.
Theo đó, ghi nhận mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt con số 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, nhà đầu tư Nhật Bản ông YAMADA KEI – Giám đốc Bộ phận Hành chính nhân sự, Trưởng phòng Xúc tiến CSR – Công ty TNHH Fuji Xerox Hải Phòng đánh giá: “Đây là một con số ấn tượng và là tiền đề tốt cho tăng trưởng trong năm 2019, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại. Bởi những căng thẳng leo thang từ chiến tranh thương mại và tiềm ẩn các rủi ro cho hoạt động sản xuất”.
Những chỉ báo từ nền kinh tế Việt Nam khiến các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng hoạt động kinh doanh trong năm 2019 sẽ tăng.
Tuy nhiên vị này cũng bày tỏ lo ngại rằng: “Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, bởi Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nhiều”.
Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính là điều cần thiết. Trong đó, các hoạt động liên quan đến môi trường pháp lý cần rõ ràng hơn.
Ngoài ra, ông YAMADA KEI cũng nhấn mạnh đến yếu tố đảm bảo nguồn lao động chất lượng cao tại các thành phố lớn cũng là một trong những điều ảnh đến môi trường và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó, cuối năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã công bố những động năng tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó đáng chú ý là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng. “ Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ được Chính phủ Việt Nam làm tốt, đặc biệt là trong hạ tầng giao thông”, ông YAMADA KEI nhấn mạnh.
Rõ ràng, trong bối cảnh mới, khi hoạt động thu hút đầu tư FDI trở nên cạnh tranh hơn, việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và làm “thoả mãn” những yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư, góp phần giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư trong khu vực và thế giới.
Và mới đây, tại một hội nghị về tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh tới việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế được hưởng lợi và các chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước.