Doanh nghiệp kiến nghị hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư phải được đồng bộ
Theo Nhóm Công tác Thuế, Hải quan thuộc VBF, chính sách thuế không thể rõ ràng trong mọi tình huống và có thể có những cách hiểu khác nhau.
Theo nhận định của Nhóm Công tác Thuế, Hải quan, mặc dù, quy định của pháp luật thuế thay đổi liên tục nhằm bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng; tuy nhiên, chính sách thuế không thể rõ ràng trong mọi tình huống và có thể có những cách hiểu khác nhau.
Do đó, việc áp dụng chính sách thuế cần dựa trên tính hợp lý và đạo lý thuế nói chung. Nhóm Công tác Thuế, Hải quan cho rằng, về nguyên tắc và đạo lý thuế, thuế GTGT không phải là doanh thu, chi phí của bất kỳ bên nào.
Cụ thể, trong các văn bản pháp quy, Chính phủ cũng đưa hướng dẫn về các trường hợp hoàn thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan thuế địa phương dường như tìm mọi cách để bắt lỗi doanh nghiệp, từ chối cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế nhằm mục đích tăng thu thuế, mà không xem xét đến bản chất kinh tế của giao dịch.
Cũng theo quan điểm của Nhóm Công tác Thuế, Hải quan, cơ quan thuế và cơ quan hải quan đã cố ý vin vào những lỗi sai hành chính của người trả thuế và thậm chí còn đi ngược lại bản chất kinh tế của vụ việc và tước đi quyền được hoàn thuế của doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp bị từ chối hoàn thuế vì hồ sơ hoàn thuế nộp chậm hoặc kê khai nhầm biểu mẫu hoàn thuế, mặc dù doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh bổ sung cho đúng với các quy định trong văn bản pháp quy cũng như yêu cầu của cơ quan thuế và cơ quan hải quan.
Về vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, theo Nhóm Công tác Thuế, Hải quan, xuyên suốt trong các văn bản quy định về thuế GTGT từ trước đến nay là cơ sở kinh doanh đang trong giai đoạn đầu tư sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào nếu số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên.
Đây là một điểm tốt trong chính sách, giúp cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư do số thuế GTGT phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản thường là khá lớn. Tuy nhiên, dường như quy định đang phân biệt trong việc hoàn thuế đối với doanh nghiệp đầu tư mới và doanh nghiệp đầu tư mở rộng khi không cho phép hoàn thuế đối với dự án đầu tư mở rộng dù vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản mà sẽ phải thực hiện kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện. Và sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì mới được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.
Ngoài ra, từ ngày 1 tháng 7 năm 2016, thuế GTGT đầu vào phát sinh đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu là không được phép hoàn theo hiệu lực của Nghị định 100/2016/NĐ-CP. Điều này đã tạo nên quan ngại cho nhiều doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào mà chưa được khấu trừ hết có giá trị lớn. Ghi nhận vấn đề này, Nghị định 146/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2018 đã bổ sung quy định về hoàn thuế cho thuế GTGT đầu vào nói trên nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định.
Như vậy có nghĩa là, từ thời điểm sau khi Nghị định 146 có hiệu lực, doanh nghiệp mới được xin hoàn thuế GTGT cho hoạt động nhập khẩu để xuất khẩu. Tuy nhiên, quy định không rõ ràng cho việc doanh nghiệp có được xin hoàn cho toàn bộ số thuế GTGT đầu vào lũy kế đến thời điểm xin hoàn (bao gồm cả số thuế đầu vào phát sinh trong giai đoạn từ 1/7/2016 đến 1/2/2018.
Do thiếu hướng dẫn cụ thể, trong giai đoạn từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 đến ngày 1 tháng 2 năm 2018, thuế GTGT đầu vào phát sinh từ hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất cho doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu ra nước ngoài mà chưa được khấu trừ nhiều khả năng bị cơ quan thuế xem như là đối tượng không được hoàn thuế.
Chính vì vậy, Nhóm Công tác Thuế, Hải quan đề xuất, việc hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư nên được thực hiện đồng bộ cho doanh nghiệp có dự án đầu tư mới và doanh nghiệp đang hoạt động có dự án đầu tư mở rộng, miễn là doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên.
Không nên có sự phân biệt giữa dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng vì trong cả hai trường hợp, dòng tiền vốn mà nhà đầu tư phải bỏ ra và số thuế GTGT phát sinh trong giai đoạn này đều tương đối lớn nên việc cho phép được hoàn thuế trong giai đoạn này sẽ giúp cải thiện dòng tiền cho nhà đầu tư, khuyến khích việc nhà đầu tư tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trong việc xem xét bản chất kinh doanh và đạo lý thuế, doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu để xuất khẩu nên được xem là thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT đầu vào vì các hàng hóa này không được tiêu dùng tại Việt Nam. Quy định tại Nghị định 100 là một sự sơ xuất trong quá trình soạn thảo nghị định vì không đưa ra hướng dẫn rõ ràng và phù hợp đối với hoạt động này dễ gây hiểu lầm thậm chí đi ngược lại đạo lý thuế.
Vì vậy, việc sửa đổi tại điều khoản này tại Nghị định 146 là hoàn toàn hợp lý và theo đó Chính phủ, Bộ Tài chính nên có hướng dẫn để doanh nghiệp được hoàn cho toàn bộ số thuế đầu vào phát sinh chưa được khấu trừ hết trong giai đoạn từ 1/7/2016 đến 1/2/2018.