"Khoảng cách rộng" trong tiếp cận PPP giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư

Ngọc Thanh 28/03/2019 00:57

Tình trạng thiếu năng lực, thiếu sự điều phối và phương pháp tiếp cận nhất quán giữa các cơ quan Chính phủ... được xem là những khó khăn chính trong việc triển khai dự án theo mô hình PPP.

Những yếu tố thường được các nhà đầu tư và tài trợ dự án tiềm năng trên thế giới xem là khó khăn chính đối với hoạt động triển khai dự án, bao gồm dự án PPP tại Việt Nam là tình trạng thiếu năng lực, thiếu sự điều phối và phương pháp tiếp cận nhất quán giữa các cơ quan Chính phủ.

Trong đó có thể kể đến như khoảng cách trong phương pháp tiếp cận giữa các cơ quan Chính phủ và các bên đối tác nước ngoài.

P

Tình trạng thiếu năng lực, thiếu sự điều phối và phương pháp tiếp cận nhất quán giữa các cơ quan Chính phủ... được xem là những khó khăn chính trong việc triển khai dự án theo mô hình PPP. (nguồn: Internet).

Theo đánh giá của EuroCham, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi hiện tại mặc dù các hình thức BOT, BT và BTO đã tồn tại gần 20 năm, tuy nhiên khung pháp lý để thực hiện các dự án PPP vẫn chưa được phát triển hoàn thiện. Bản thân Nghị định PPP không giải quyết triệt để một số vấn đề then chốt về phân bố rủi ro và các vấn đề thương mại. Ví dụ như vấn đề về lượng tử doanh thu, thay đổi luật pháp và rủi ro về khả năng chuyển đổi và không quy định chi tiết thủ tục thực hiện quyền chuyển nhượng hợp đồng hay dự án, dẫn đến việc không chắc chắn của các cơ quan thực hiện và do đó gây chậm tiến độ ký kết hợp đồng dự án và tiến độ triển khai thực tế của dự án.

Ngoài ra, cũng theo EuroCham, số lượng tiền tệ về các dự án do tư nhân đầu tư được tài trợ vốn và đã hoàn thành còn rất hạn chế. Do đó, các cơ quan chính phủ thường không có đầy đủ các hướng dẫn pháp lý và thực tiễn để có thể quản lý việc triển khai dự án một cách trơn tru, đặc biệt trong những lĩnh vực ngoài lĩnh vực điện truyền thống.

Theo đó, EuroCham cũng cho rằng, dường như cơ quan chức năng thường nhầm lẫn giữa cơ chế đầu tư công truyền thống và cơ chế PPP khi thảo luận dự án với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, cơ chế đầu tư công truyền thống chú trọng nhiều vào yếu tố đầu vào hơn là kết quả đầu ra và không đòi hỏi thực hiện quy trình đánh giá dự án phức tạp cũng như không cần có cơ chế quản lý và phân bổ rủi ro nghiêm ngặt.

Vì thế các cơ quan thường không có đủ kinh nghiệm về các động lực thương mại của các nhà đầu tư tư nhân. Ví dụ như các yếu tố liên quan đến tính khả thi về mặt tài chính của một dự án và cơ chế phân bổ rủi ro giữa khu vực công và tư.

Bên cạnh đó, việc ít được tiếp xúc với thực tiễn quốc tế cũng tạo ra khoảng cách lớn trong cách tiếp cận giữa cơ quan nhà nước và các đối tác nước ngoài trong các dự án PPP. Các cơ quan nhà nước quan tâm nhiều hơn tới các thủ tục hành chính nội bộ trong khi các đối tác nước ngoài quan tâm nhiều tới các thực tiễn áp dụng và thương mại.

Ngoài ra, EuroCham cũng chỉ ra, sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cũng khiến các nhà đầu tư lúng túng.

Theo đó, cơ cấu thể chế và vai trò của các cơ quan Chính phủ khác nhau trong khung pháp lý PPP được quy định trong Nghị định PPP. Nghị định này đã đưa ra một chương độc lập về kế hoạch giám sát tập trung để quản lý các dự án PPP, tập trung vào Ban Chỉ đạo liên Bộ về Đầu tư theo hình thức PPP do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đứng đầu đóng vai trò điều phối giữa các Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh tham gia và các dự án PPP. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó trưởng Ban chỉ đạo, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là nơi đặt văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo.

Tuy nhiên, theo EuroCham, trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy thực tiễn của các cơ quan Chính phủ trung ương và tỉnh không thống nhất và các cơ quan địa phương khác nhau thì có quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề về khả năng đầu tư của một dự án. Ngoài ra, Chính quyền địa phương đặc biệt ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa vẫn “đứng ngoài” quá trình cải cách.

Chính phủ đã có những nỗ lực nhất định nhằm cải thiện những hạn chế này bằng cách ban hành thiều thông tư hướng dẫn thi hành và tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường sự hiểu biết và xây dựng một phương pháp tiếp cận nhất quán giữa các cơ quan.

Cụ thể, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các Bộ xem xét lại và hoàn thành việc xây dựng hệ thống pháp luật đối với các hợp đồng BOT và PPP khác, bao gồm quy định liên quan đến phạm vi, chi phí đầu tư và hình thức thu phí của các dự án trong ngành vận tải. Chính phủ cũng được giao nhiệm vụ thông qua Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 để cải thiện đầu tư và hoạt động của các hợp đồng BOT trong ngành vận tải sau khi có sự phản đối kịch liệt của người dân về việc đặt sai các trạm thu phí đường bộ tại nhiều tỉnh.

Trên cơ sở thực tiễn đó, EuroCham khuyến nghị, tiếp tục thường xuyên tổ chức các hội hội thảo và xây dựng năng lực có chất lượng cho các cơ quan chính phủ liên quan. Đặc biệt là cán bộ cấp tỉnh. Các quy định bao gồm dự thảo Nghị định và Luật PPP cần được cập nhật, xây dựng có sự tham khảo ý kiến của các cơ quan chính quyền và các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, EuroCham cũng khuyến nghị Chính phủ tổ chức các hội thảo nâng cao năng lực tập trung vào các quy định pháp luật mới tại thời điểm thích hợp để đảm bảo các quy định mới này được thi hành nhất quán bởi cơ quan nhà nước.

Ngọc Thanh