Doanh nghiệp FDI còn thiếu niềm tin vào giải quyết tranh chấp thương mại bằng toà án

Ngọc Hà 29/03/2019 00:15

Tăng cường hoạt động phổ biến, thông tin, nâng cao nhận thức về cơ chế bảo vệ khi xảy ra tranh chấp thương mại cho các doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng.

Đây được xem là chìa khoá quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin tham gia tốt hơn vào chuỗi gía trị toàn cầu. 

Giáo sư Edmund Malesky

Giáo sư Edmund Malesky - Giảng viên kinh tế chính trị trường Đại học Duke - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI. 

Đó là nhận định của Giáo sư Edmund Malesky - Giảng viên kinh tế chính trị trường Đại học Duke - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI đưa ra khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với việc giao kết hợp đồng quốc tế.

Theo đó, Giáo sư Edmund Malesky đã trích dẫn lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đó là: “Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng” mặc dù Việt Nam đã đặt mục tiêu là dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lý giải về một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tham gia hoặc chưa có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Giáo sư Edmund Malesky chỉ ra, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang “ngại ngần” trong việc hợp tác quốc tế vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về việc không tin vào hệ thống giải quyết tranh chấp.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao các doanh nghiệp nước ngoài chỉ muốn giao kết hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài mà không muốn giao kết với doanh nghiệp dân doanh trong nước?  

Theo phân tích của Giáo sư Edmund Malesky, là do các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại rằng khi giao kết với doanh nghiệp trong nước rất khó giải quyết tranh chấp, họ thiếu niềm tin vào việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng toà án Việt Nam. Có thể do thời gian giải quyết tranh chấp dài, chi phí cao, lo lắng về các chi phí khác.

"Điều này đã lý giải vì sao doanh nghiệp nước ngoài chỉ hợp tác với những doanh nghiệp trong mạng lưới họ, doanh nghiệp đã biết hoặc đã có kinh nghiệm hợp tác", Giáo sư Edmund Malesky khẳng định.

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hạn chế này bằng cách các quy định pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, tiệm cận gần hơn với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI vẫn thiếu tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại theo cách này.

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng biết về các quy định pháp luật bảo vệ về giao kết hợp đồng cho người nước ngoài, tận dụng cơ chế bảo hộ trong pháp luật thương mại hay CPTPP.

Ví dụ đối với pháp luật về trọng tài thương mại thì mới chỉ có 35,61% doanh nghiệp nắm được nội dung này và chỉ có 36% doanh nghiệp biết được về những cơ hội mà CPTPP có thể mang lại. 

Giáo sư Edmund Malesky đã đặt giả định, trong trường hợp nếu doanh nghiệp biết về cơ chế bảo vệ pháp lý mới, sẵn có mà họ có thể tận dụng trong chương 28 của Hiệp định CPTPP thì liệu doanh nghiệp Việt Nam có tự tin hơn để giao kết hợp đồng với các đối tác mới của Việt Nam hay không?

Các cơ chế bảo vệ bao gồm việc có thể sử dụng cơ chế trọng tài thương mại mà phán quyết được công nhận bởi toà án, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế (ASBS).

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu với hai mẫu câu hỏi được chỉ định ngẫu nhiên, với nội dung về trọng tài thương mại và CPTPP, nội dung cho phép các bên giải quyết tranh chấp không chỉ thông qua phán quyết của trọng tài, mà còn được đối xử công bằng. Câu hỏi đặt ra là, nếu các doanh nghiệp biết được cơ chế này, liệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có mở rộng đầu tư hay không? và nếu có thì hướng đến đối tượng như thế nào (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia hay doanh nghiệp bên thứ ba?).

Kết quả khảo sát cho kết quả, 4% doanh nghiệp sẵn sàng tăng thêm đầu tư  đối với cơ chế gải quyết tranh chấp thương mại theo thông lệ quốc tế và chỉ có 2% doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư đối với  trường hợp giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài trong nước. Kết quả này cho thấy, nếu trong thoả thuận hoặc hiệp định thương mại quốc tế có một cơ chế bảo vệ rõ ràng như CPTPP có hẳn một chương 28 về cơ chế bảo vệ thì các doanh nghiệp sẵn sàng gia tăng đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, đối tác mà các doanh nghiệp muốn tăng cường hợp tác, kinh doanh đó là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp là bên thứ ba, doanh nghiệp FDI. 

Mặc dù, việc gia tăng giao kết hợp đồng thể hiện sự hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, một số doanh nghiệp cho thấy họ cảm thấy có thể gia tăng hợp tác với doanh nghiệp tư nhân ở trong nước. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp có nhận thức được cơ chế bảo vệ, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng giao kết hợp đồng với các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam cũng tăng không có nhiều.

Như vậy, "việc tham gia CPTPP sẽ có tác động rất nhiều tới việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cẩu của Việt Nam, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại làm tăng cơ hội mở rộng kinh doanh và đầu tư, củng cố niềm tin với các đối tác kinh doanh với các đối tác trước đây chưa từng biết nhau. Đây chính là minh chứng cho tác động, sức ảnh hưởng của CPTPP", Giáo sư Edmund Malesky khẳng định. 

Theo đó, Giáo sư Edmund Malesky đề xuất: "Vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa mới có thể thúc đẩy được sự tham gia của các doanh nghiệp dân doanh trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua chất lượng lao động, việc cải thiện cơ chế quản trị… Nhưng chúng ta có thể là tăng thêm thông tin, phổ biến về cơ chế bảo vệ khi xảy ra tranh chấp thương mại cho các doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng".

Ngọc Hà