Hạn chế thất thoát tài sản nhà nước trong đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng

Ngọc Hà 22/04/2019 00:02

Nên kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, nhà thầu công trình BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng.

Đó là khuyến nghị của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA về giải pháp hạn chế thất thoát tài sản nhà nước trong việc thực hiện đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng.

Dự án BT nút giao thông Long Biên đã được

Dự án BT nút giao thông Long Biên (Ảnh minh hoạ, nguồn:Ineternet).

Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án xây dựng - chuyển giao (BT) hướng đến việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, bịt các “kẽ hở” dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước qua dự án BT.

Kẽ hở của quy định được chỉ định thầu

Theo đó, ông Lê Hoàng Châu cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước khi thực hiện đầu tư theo hợp đồng BT đó là do sơ hở, lỏng lẻo trong các quy định của pháp luật. Trong đó, có thể kể đến việc được phép chỉ định thầu thay vì thực hiện đấu thầu rộng rãi.

Cụ thể, theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thì việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu.

Chính vì việc được chỉ định thầu, không có đối thủ cạnh tranh đã tạo điều kiện cho một số nhà đầu  tư có điều kiện “vẽ” dự án có tổng mức đầu tư ở mức “trên trời” với đơn giá vật liệu xây dựng, tăng định mức, tăng giá trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị nhập khẩu mà trong nước không có…

Chỉ ra một trong những kẽ hở khác gây thất thoát tài sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT, PGS-TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành V (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, việc Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất không qua đấu giá, mà tính theo giá do UBND cấp tỉnh công bố thường không sát với giá thị trường, thậm chí thấp rất xa so với thị trường tại thời điểm thanh toán cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, cũng chính việc chỉ định thầu cũng làm nảy sinh hiện tượng chuyển nhượng dự án, bán thầu, chuyển nhượng quỹ đất được thanh toán để trục lợi.

Đáng chú ý, không chỉ doanh nghiệp nội mà ngay cả nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào công trình xã hội hoá đầu tư theo mô hình PPP, hình thức BT cũng đã có trường hợp không thực hiện dự án mà chuyển nhượng lại các khu đất này cho nhà đầu tư khác để hưởng lợi.

Trước đó, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước tháng 5/2018 cũng chỉ ra, việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách.

Thanh toán theo nguyên tắc ngang giá

Xuất phát từ những thực tế đã được doanh nghiệp, chuyên gia vừa nêu, được biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Tuy nhiên, một điểm “khó” trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này, đó là làm thế nào vừa quy định chặt chẽ để tránh thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước mà vẫn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể phát triển các công trình hạ tầng hoàn thành theo đúng mục tiêu. Bởi vì, trên thực tế hiện có tình trạng là giá trị công trình BT và quỹ đất được giao chưa ngang giá.

Đề xuất một trong những biện pháp, nhằm hạn chế tình trạng nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở, Lê Hoàng Châu cho biết: “Giải pháp hiệu quả nhất để kiểm soát việc chuyển nhượng dự án có sử dụng đất nhằm mục đích trục lợi là phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, nhà thầu công trình BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng”.

Theo đó, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) do đây là văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu để thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Lê Huy Trọng cho rằng cần quy định việc thanh toán dự án BT bằng tài sản công chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước cho phép và việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo đó, tài sản công thanh toán cho dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Giá trị dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

Ngọc Hà