Xuất nhập khẩu 4 tháng 2019: Nội xuất siêu, ngoại nhập siêu

Linh Nga 09/05/2019 00:00

Tính chung 4 tháng năm 2019, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD.

Số liệu từ Bộ Công thương cho biết, trong tháng 4, hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam có sự sụt giảm so với tháng trước nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng 3/2019. Nguyên nhân chủ yếu là do tháng 4 có số ngày làm việc ít hơn (nghỉ Giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5), bên cạnh đó sản phẩm Galaxy S10 của Samsung đã tập trung xuất khẩu trong tháng 3. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 7,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu với tỷ trọng 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước nhưng lại tăng tới 17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khối doanh nghiệp có 100% vốn trong nước đạt kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng 3/2019. Khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu 11,8 tỷ USD, giảm 3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,80 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,25 tỷ USD, tăng 7,6%.

Tính ra, tháng 4, Việt Nam ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng năm 2019, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD.

Bộ Công thương cho biết, với kim ngạch đạt 78,76 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành gần 30% so với kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng còn lại của năm 2019 phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên (tương ứng khoảng 23 tỷ USD/tháng), tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2018.

Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sẽ có thêm một số yếu tố tích cực như: Xuất khẩu hàng hóa đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang và điều này đang mang lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, việc Mỹ giảm bớt các rào cản thương mại kỹ thuật đối với thủy sản và mở cửa đối với các loại trái cây Việt Nam cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.

Bộ Thương mại Mỹ mới đây cũng đã công bố thuế sơ bộ đối với 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong đợt rà soát hành chính thứ 13 là 0%. Mặc dù chưa phải là quyết định chính thức, mức thuế này phần nào sẽ giúp việc xuất khẩu tôm sang Mỹ thuận lợi hơn, tăng sức cạnh tranh với Ấn Độ, Thái Lan…

Trong tháng 4/2019, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu lô hàng xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ với giá cao hơn khoảng 10% - 15% so các thị trường khác. Lô xoài 8 tấn, gồm 3 loại xoài: Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh và Cát Chu da vàng do Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cung cấp. Đây được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại do gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc. Như vậy, cùng với thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa, hiện đã có 6 loại trái cây được chính thức cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, tình hình đơn hàng cho năm 2019 của một số ngành hàng công nghiệp chính như: Hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… khá tích cực khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm, thậm chí cả năm 2019.

Linh Nga