Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Gỡ điểm nghẽn hạ tầng
Mức phân bổ ngân sách cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay quá thấp so với đóng góp kinh tế với cả nước mà vùng này mang lại.
Cơ chế để phát triển hạ tầng, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) là vấn đề trọng tâm đã được đặt ra tại Hội nghị Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam 2019, được tổ chức tại Đồng Nai với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, mức phân bổ ngân sách cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) hiện nay quá thấp so với đóng góp kinh tế với cả nước mà vùng này mang lại.
Bất cập về phân bổ ngân sách
Dẫn chứng về vấn đề nêu trên, Bí thư Thành ủy của Thành phố đầu tàu vùng kinh tế phân tích: Xét về mức đóng góp giá trị GDP, vùng KTTĐ phía Nam lớn hơn của 3 vùng KTTĐ còn lại cộng lại. Tuy nhiên, hiện nay “đầu ra - đầu vào” mất còn cân đối. Trung bình 10 km2 đất ở TP. HCM mới chỉ có 2 km đường. “Hiện vùng KTTĐ phía Nam mới có khoảng 91km đường cao tốc, chỉ bằng 11% số km đường cao tốc cả nước. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần” - ông Nhân cho biết.
Do đó, để phát triển vùng, Bí thư Thành ủy TP. HCM đề nghị, cần rà soát quy hoạch vùng về kinh tế, giao thông, đặc biệt là việc phân bổ ngân sách cho vùng sao cho phù hợp.
Đề cập tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cảng biển Cái Mép - Thị Vải thiếu đồng bộ trong kết nối với giao thông đường bộ, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ kỹ như những "hạn chế" của vùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá rằng, giao thông đô thị đang là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng KTTĐPN, với cả 3 nút nghẽn: Bộ, Không, và Cảng.
“Ngành giao thông đang tập trung xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, nâng cấp sân bay Côn Đảo đề tiếp nhận tàu bay lớn hơn; sân bay Long Thành đầu 2021 phải khởi công. Để xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng cần tập trung các nguồn lực. Trong đó, cần được Quốc hội thông qua nguồn vốn lớn, huy động nguồn vốn địa phương. Nếu cứ trông chờ vào Trung ương thì điểm nghẽn giao thông sẽ kéo dài”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Cần cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp
Bàn sâu về cơ chế để tháo nghẽn, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhìn nhận: "Chính phủ nên có chiến lược dài hạn và thể chế hiến định, các địa phương cần được giao quyền lực. Trước mắt, cần phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động, sáng tạo trong điều hành. Ngoài ra, cần lập tổ tư vấn và liên kết vùng về mặt doanh nghiệp".
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch HĐQT Becamex Bình Dương chia sẻ: Trong suốt 20 năm phát triển, Becamex gắn với vùng KTTĐPN. Ngay từ năm 1996, doanh nghiệp khởi đầu phát triển khu công nghiệp, đến những năm 2006 tiến sang thời kì phát triển đồng bộ công nghiệp - dịch vụ - đô thị, giao thông nối liền cảng biển - sân bay và các tỉnh, gắn với qui hoạch chung toàn vùng.
Dù vậy, ông Hùng vẫn băn khoăn: "Những mục tiêu – định hướng lớn, qui hoạch tương lai của vùng KTTĐPN đã rất rõ nét, những cơ hội và thách thức đã tỏ tường, nhưng tại sao nhiều dự án của vùng vẫn chưa thể triển khai hiệu quả? Tại sao những điểm cốt lõi và vô cùng bức thiết như cảng biển, sân bay, tuyến đường kết nối… vẫn chưa thể tiến hành nhanh chóng?".
Ông Hùng kiến nghị: “Phải có cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị. Cùng với đó là cơ chế điều phối vùng cần phải có sự phân cấp phân quyền mạnh hơn, cụ thể, thực chất, trọng tâm hơn. Đại diện lãnh đạo Chính phủ với tầm nhìn quốc gia, vai trò khách quan, trực tiếp chỉ đạo vùng KTTĐPN, để bổ sung hỗ trợ TP HCM và các tỉnh, đưa ra những quyết định quyết liệt, những “quả đấm thép” thì mới có thể tạo bứt phá”.