Bảo lãnh Chính phủ dự án PPP: Cơ quan quản lý "lấn bấn", nhà đầu tư muốn tăng

Ngọc Hà 26/05/2019 05:10

Mặc dù dự thảo quy định, mức bảo lãnh doanh thu tối thiểu dự kiến trên hợp đồng là 75% trong 5 năm đầu, tuy nhiên nhà đầu tư lại muốn mức 80%, tại sao nhà đầu tư lại muốn thêm 5%?

Hiện nay, Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang quy định, nguyên tắc áp dụng đối với phương thức này là trong 5 năm đầu vận hành công trình, Nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu, đảm bảo tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp.

Cơ quan quản lý cân nhắc

Theo đó, trường hợp ngược lại, khoản doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm đầu và 135% trong 5 năm kế tiếp sẽ được thanh toán cho phía Nhà nước. Trong khi đó, với bảo lãnh ngoại tệ, Chính phủ sẽ chi trả 100% hoặc một tỷ lệ nhất định đối với những thiệt hại do tỷ giá thay đổi cho nhà đầu tư và ngược lại, cũng có thể được hưởng một phần lợi ích nếu tỷ giá biến động có lợi.

Góp ý liên quan đến nội dung này, Bộ Ngoại giao lại cho rằng, không phải tất cả các dự án này đều được chính phủ bảo lãnh mà căn cứ từng dự án Quốc hội, và Thủ tướng Chính phủ trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư sẽ xem xét quyết định cấp bảo lãnh doanh thu tối thiểu. 

Theo đó, Bộ Ngoại giao cũng đề xuất: "đề nghị cơ quan soạn thảo giả trình rõ hơn về cơ sở pháp lý và tính thực tiễn đối với mức bảo lãnh theo dự thảo quy định và chỉ nên cân nhắc bảo lãnh doanh thu trong thời hạn nhất định".

Cũng liên quan đến nội dung bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Kiểm toán Nhà nước thì đề nghị không bảo lãnh doanh thu tối thiểu. 

Cụ thể, Văn hoá Thể thao và Du lịch cho rằng, việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp không đảm bảo an ninh tiền tệ. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện công khai, minh bạch, nên việc thu xếp vốn thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. 

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước thì cho rằng, do bảo lãnh này sẽ gây áp lực về chi ngân sách nhà nước khi doanh thu không đạt dẫn đến áp lực quản lý nợ công.

Nhà đầu tư muốn tăng thêm

Tuy nhiên, ở góc độ của nhà đầu tư, doanh nghiệp lại cho rằng, bảo lãnh doanh thu cần phải đạt được 80% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án. Tại sao nhà đầu tư lại cần thêm 5%?

Luật sư

Luật sư  Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là xu hướng tất yếu nhưng việc thu hút vốn ngày càng khó khăn.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, với việc công bố dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP trong bối cảnh thị trường PPP đang phát triển trong giai đoạn đầu như ở Việt Nam hiện nay, cần áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho một số dự án PPP đủ điều kiện.

“Bởi vì các dự án được bảo lãnh không áp dụng tràn lan, mà do Thủ tướng Chính phủ quyết định và ở tầm dự án như vậy chắc chắn là dự án lớn, lợi ích xã hội nhiều hơn lợi ích kinh tế, có tác động lan tỏa”.

Ngọc Hà