Thông tư 47/2019/TT-BTC: Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

Nguyễn Việt 03/09/2019 15:08

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, một số thay đổi về mức thu phí tại Thông tư 47/2019/TT-BTC nhằm khuyến khích một số hộ kinh doanh cá thể muốn chuyển thành doanh nghiệp.

Từ 20/9, mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, theo thông tư số 47/2019/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, mức thu lệ phí với các trường hợp trên sẽ giảm còn 50.000 đồng/lần thay vì 100.000 đồng/lần như hiện tại. Đáng chú ý, nếu thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Từ 20/9/2019, doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp; Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu.

Từ 20/9/2019, doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp

Thông tư cũng quy định giảm phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 300.000 đồng/lần hiện tại xuống còn 100.000 đồng/lần. Các trường hợp như doanh nghiệp bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính, đăng ký giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cũng được miễn phí.

Có thể bạn quan tâm

  • Giảm phí, miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp: Rẻ nhưng có dễ thực hiện?

    Giảm phí, miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp: Rẻ nhưng có dễ thực hiện?

    13:30, 02/09/2019

Trao đổi với DĐDN về chủ trương này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, về nguyên tắc đây là khoản phải đóng, tuy nhiên để khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký kinh doanh trên internet, cũng như một số hộ kinh doanh cá thể muốn chuyển lên thành doanh nghiệp nên Bộ Tài chính đã đưa ra ưu tiên này.

Thứ nhất, mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng đăng ký kê khai qua hệ thống internet để vừa minh bạch, khách quan và tiện lợi cho doanh nghiệp. Thứ hai, các hộ gia đình muốn chuyển lên thành doanh nghiệp cũng thuận tiện và không phải tốn phí. Đây là nhóm đối tượng đang rất được quan tâm và khuyến khích.

“Có thể số tiền miễn đăng ký kinh doanh trên mạng không lớn, nhưng đã thể hiện được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước. Còn thật sự để chuyển các hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp thì còn cần nhiều biện pháp đi kèm, như cải tổ thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường, ưu đãi vay vốn... khi đó mới thực sự tạo cho các hộ kinh doanh cá thể đăng ký lên thành doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.

Thực tế cho thấy, câu chuyện “lên” doanh nghiệp của các hộ kinh doanh gia đình chưa bao giờ dễ dàng. Trước hết, do quy mô kinh doanh nhỏ, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, gần như hộ kinh doanh gia đình chưa thể đáp ứng các yêu cầu khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Có thể nói, hầu hết các hộ gia đình đều lúng túng trước các vấn đề quan trọng như pháp lý, nghiệp vụ kế toán, quản lý, tin học.

Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, doanh nghiệp nhỏ phải ngừng hoạt động, phá sản chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số doanh nghiệp thất bại trong kinh doanh, bởi sức chịu đựng rất hạn chế, đặc biệt là do sự eo hẹp về vốn. Trong đó, nếu gặp khó khăn ngay trong giai đoạn mới gia nhập thị trường thì hầu hết doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng thất bại vì “vốn mỏng”, thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm trên thương trường.

Nguyễn Việt