Giá điện mặt trời: Từ thị trường màu mỡ đến nguy cơ trắng tay
Với chính sách một vùng giá, giá điện mặt trời có thể giảm hơn 30%, khiến các nhà đầu tư lo gặp nhiều khó khăn, thậm chí là phá sản.
Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển gửi Bộ Công Thương đề nghị nghiên cứu kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ chuyển ý kiến của Công ty Hoàng Sơn đến Bộ Công Thương để xem xét trong quá trình hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/7/2019.
Nhà đầu tư kêu “rủi ro lớn”
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Công ty này bày tỏ lo ngại về mức giá điện mặt trời chỉ còn 1.620 đồng/số và mong Thủ tướng xem xét nghiên cứu phát huy thế mạnh của vùng miền cũng như các tỉnh miền Bắc và miền Trung vốn đã khó khăn về kinh tế hàng năm chịu nhiều bão lũ, thiên tai, tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách để phát triển được nguồn điện mặt trời ở vùng có bức xạ thấp.
Công ty này cũng đề cập đến việc cơ chế khuyến khích điện mặt trời với mức giá hợp lý để không ảnh hưởng đến các công ty đang đầu tư dở dang các dự án điện mặt trời, để không bị đứng bên bờ vực phải phá sản.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn, chủ đầu tư dự án điện mặt trời ở Thanh Hóa cho biết, Công ty đã triển khai dự án, đã giải phóng mặt bằng, lắp đặt trang thiết bị. Dự án đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Với mức giá 1.620 đồng/số này, chắc chắn chúng tôi sẽ bị lỗ.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng, từ sau 30/6, do chưa có mức giá mới nên ngân hàng đã tạm dừng giải ngân. Với mức giá thấp như vậy, nhà đầu tư sẽ lỗ. Khi đó, ngân hàng cũng không thể giải ngân tiếp. Ngân hàng không giải ngân nữa thì nhà đầu tư phá sản, mất đi số tiền đã bỏ ra đầu tư. Các ngân hàng cũng sẽ gặp khó. Mặt khác, doanh nghiệp phá sản thì nhiều công nhân và doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng.
Mức giảm này theo ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch Công ty cổ phần Ecotech Việt Nam, sẽ khó khăn cho các nhà đầu tư điện mặt trời. Theo ông, mức giá điện mặt trời (giá FIT) được nhà chức trách đưa ra với kỳ vọng suất đầu tư mỗi kWh điện mặt trời giảm nhiều so với trước, song thực tế không hẳn vậy. "Suất đầu tư vẫn tương tự với giá trước đây, nhưng giá bán ra lại giảm 32% thì toàn bộ sẽ "ăn" vào lợi nhuận đầu tư, trong khi các chi phí đều tăng", ông nói.
Tuy nhiên điều ông Tùng cũng như nhiều nhà đầu tư điện mặt trời lo lắng, là vay vốn các dự án năng lượng ngày càng khó khăn, điều kiện thắt chặt hơn, lãi vay cao nên hiệu quả dự án giảm đi nhiều so với trước.
Một nhà đầu tư điện mặt trời tại Bình Thuận lại có băn khoăn khác. Việc chỉ có một giá cho tất cả vùng, theo ông, sẽ lại tái diễn cảnh quá tải lưới điện khi các dự án "bùng nổ" tại vùng bức xạ tốt. "Giá mua mỗi kWh điện mặt trời mặt đất giảm hơn 500 đồng so với trước, lại cào bằng cho tất cả các vùng bức xạ thì không hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là khu vực miền Bắc, Trung", nhà đầu tư này nói.
Ông Tùng cũng cho rằng, nếu một giá điện mặt trời cho các vùng bức xạ thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ chọn khu vực nào có tiềm năng về nắng lớn nhất, như 6 tỉnh Tây Nguyên, và câu chuyện quá tải lưới sẽ lặp lại mà không khuyến khích được đầu tư vào các tỉnh phía Bắc, miền Trung.
Đầu tư vào điện mặt trời sẽ chững lại
Dù đưa ra kiến nghị phương án giá điện một vùng nhưng chính trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương lại phân tích khá kỹ và nêu nhiều ưu điểm phương án giá 4 vùng.
Theo cơ quan này, phương án giá tương ứng với 4 vùng bức xạ sẽ cho phép các dự án ở những khu vực cường độ bức xạ thấp và trung bình đạt được hiệu quả như nơi có cường độ bức xạ cao. Vì thế, phương án giá 4 vùng sẽ khuyến khích để thu hút nhà đầu tư phát triển điện mặt trời và giảm nguy cơ quá tải lưới truyền tải do dự án được phân bổ đều giữa các vùng, cũng như giảm tranh chấp quá mức về đất đai.
Ưu điểm của chính sách 1 vùng chỉ là giá đơn giản hơn (do chỉ có 1 mức giá), không cần hỗ trợ cao hơn tại các vùng có tiềm năng bức xạ thấp. Ngược lại, nhược điểm của phương án này là không khuyến khích các dự án tại khu vực miền Bắc, miền Trung để góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện giai đoạn đến 2023 của khu vực miền Nam. Do tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại các khu vực tiềm năng bức xạ tốt nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải.
Quan điểm không nên áp một giá chung cho điện mặt trời được ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng ủng hộ. Ông Ngãi cho rằng, cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, miền Bắc có mức bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kwh/m2/ngày, trong khí các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gấp 1,4 lần, 4,8-5,1kwh/m2/ngày.
Điều này dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
"Việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác để có hiệu quả cao nhất", ông Ngãi góp ý.
Theo nhóm phân tích của BVSC, với mức giá mà Chính phủ đã ban hành dự thảo giá điện mặt trời cho những năm tới, giá điện mặt trời giảm đáng kể so với ưu đãi trước đó dẫn tới việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể sẽ chậm lại. Ngoài mức giá giảm sâu (hơn 32%) thì thời hạn duy trì giá chỉ 2 năm là quá ngắn. Giá đã giảm, mốc thời gian áp dụng ngắn sẽ là sức ép lớn cho nhà đầu tư trong đàm phán với nhà thầu, cung cấp thiết bị.
Thời gian qua, với nhiều chính sách ưu đãi và tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư của Chính phủ, Việt Nam đang được xem là thị trường trọng tâm thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng mặt trời trên khắp thế giới đầu tư. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có một số nhà máy năng lượng mặt trời với công suất chưa tới 100MW. Tuy nhiên bước sang nửa đầu năm 2019, điện mặt trời đã có bước nhảy vọt với tổng công suất lắp máy lên tới 4.464 MW vào cuối tháng 6/2019 và dự kiến sẽ tăng lên 5.100 MW vào cuối năm nay. Bên cạnh sự tham gia lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước còn là sức hút đầu tư của các nhà đầu tư ngoại với nhiều hình thức khác nhau như chính sách đầu tư mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; hoặc đầu tư trực tiếp các dự án. Sự nở rộ này có được là do các nhà máy đều đẩy nhanh tiến độ để kịp hòa lưới trước 30/6/2019, là thời điểm cuối cùng được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ (ngoại trừ Bình Thuận và Ninh Thuận được kéo dài thêm thời gian ưu đãi đến 30/6/2020). Trong dự thảo quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt phương án một giá điện cho tất cả các vùng, thay vì chia 2 hoặc 4 vùng như các đề xuất trước. Theo phương án mới đưa ra, giá mua điện của dự án mặt trời mặt đất là 1.620 đồng mỗi kWh (khoảng 7,09 cent); điện mặt trời nổi là 1.758 đồng một kWh (7,69 cent) và điện mặt trời mái nhà 2.156 đồng (9,35 cent một kWh). Các mức giá này kéo dài đến hết năm 2021. |