Doanh nghiệp kêu tiêu chuẩn xả thải quá “hà khắc”
Doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị quy định về chỉ tiêu Phốt pho, Amoni, tổng Nitơ trong nước thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) không phù hợp, thậm chí là “hà khắc”.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), là ngành nghề có hoạt động liên quan tới 7 bộ ngành, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản nhận thấy sự chuyển động của các bộ ngành là có.
“Nhưng dường như các Bộ, ngành có sự nể nang nhau nhiều, kéo theo khi doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi lại không đạt được kết quả sửa đổi 100%. Có những kiến nghị nói đi nói lại. Có thể ngành chúng tôi không phải để ưu tiên nhưng những vấn đề mang tính nổi cộm chúng tôi đề nghị đầu năm, cuối năm vẫn còn nguyên”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo đó, Đại diện VASEP đơn cử chỉ tiêu xả thải của ngành tài nguyên môi trường đang làm khó doanh nghiệp.
Cụ thể, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu Phốt pho và Nitơ.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) vẫn chưa có trong kế hoạch ban hành QCVN. Hiệp hội cũng đã tiến hành khảo sát vào tháng 10 năm ngoái, nhưng hơn 1 năm qua khó khăn vẫn còn đó.
Có thể bạn quan tâm
Khó đạt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
09:52, 17/12/2019
Cải cách cần mạnh mẽ vượt trội để đạt "thể chế kim cương"
09:26, 17/12/2019
48% doanh nghiệp vẫn phải xin giấy phép con
09:19, 17/12/2019
VCCI chính thức công bố báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 02 – Từ góc nhìn doanh nghiệp
05:30, 17/12/2019
“Chúng tôi đã nhiều lần gửi đề nghị và được Bộ Tài nguyên và Môi trường hứa xem xét và ban hành QCVN thay thế QCVN 11:2015 ngay trong năm 2019, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP lo lắng.
Sự chậm trễ này tiếp tục đặt doanh nghiệp chế biến thủy sản vào thế khó trong việc cạnh tranh với các đối thủ để tiếp cận thị trường xuất khẩu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang cận kề thời điểm thực thi.
“Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm soát xét, ban hành QCVN mới thay thế QCVN 11:2015, trong đó xem xét nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu Phốt pho vào trong dự thảo QCVN 11: 2017/BTNMT về nước thải CBTS lên mức 40-50 mg/l và giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ như QCVN 11:2015”, ông Nam giải thích rõ.
Cùng với đề xuất này, VASEP đề nghị lộ trình áp dụng phù hợp cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế, khoảng 5-10 năm hay như trường hợp của Mỹ là 10 năm, để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.
Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu Phốt pho, Amoni, tổng Nitơ trong nước thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) ở mức thấp so với khả năng của thực tế. Ngay các nhà máy đầu tư công nghệ mới và hệ thống xử lý nước thải đầy đủ cũng rất khó đạt. Do đó, kết quả thanh, kiểm tra hàng năm của ngành môi trường luôn có tỷ lệ lớn doanh nghiệp không đạt, bị phạt vi phạm hành chính môi trường.
Trong trường hợp này, nếu khách hàng quốc tế biết rằng, các nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam vi phạm quy định môi trường của Việt Nam, cơ hội để đưa hàng vào thị trường EU và nhiều thị trường lớn khác gần như đóng kín. Vì yêu cầu đầu tiên của các nhà nhập khẩu là doanh nghiệp không được vi phạm pháp luật, nhất là các quy định về môi trường, lao động... của Việt Nam.
“Nhưng vấn đề là các tiêu chuẩn này không phù hợp, thậm chí là “hà khắc” so với quy định của nhiều nước, trong đó có các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam”, ông Nam nói.
Cùng với đó, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, là ngành chế biến xuất khẩu thuỷ sản nhưng ngành thuế lại đang xem doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản là ngành sơ chế với mức thuế 20%, trong khi doanh nghiệp chế biến mức thuế chỉ 15%.
“Hệ thống kinh tế ngành của chúng ta đã có mã rồi, tại sao lại áp đặt chúng tôi là ngành sơ chế với mức thuế lên đến 20%? Vậy hãy đổi tên ngành chúng tôi là ngành sơ chế thuỷ sản xuất khẩu”, ông Hoài Nam nói.
Phó tổng thư ký VASEP cho biết 3 văn bản kiến nghị về vấn đề này đã được gửi đi nhưng chưa có phản hồi.