Cần cơ chế cho công nghệ điện rác phát triển
Phương án đầu tư nhà máy điện rác theo công nghệ mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả thì cần có cơ chế thông thoáng...
Nhiều công nghệ nhưng hiệu quả thấp
Theo Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nên Chính phủ, Bộ TN&MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như Nhật Bản, EU,… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại có thể thu hồi năng lượng. Hơn nữa, thế giới đang chuyển mình sang nền kinh tế tuần hoàn và đốt rác phát điện nằm trong chu trình nền kinh tế tuần hoàn. Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, cho rằng, hiện nay, Việt Nam chủ yếu đang áp dụng công nghệ xử lý rác khá sơ đẳng. Phần lớn, lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Phương pháp này chỉ giúp “khuất mắt” nhưng lượng khí thải độc hại rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các chất thải sẽ rỉ nước, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước.
Trong khi đó, điện rác là bước tiến vượt bậc về công nghệ so với các nước trong khu vực, biến rác thải thành tài nguyên. Công nghệ này không chỉ xử lý rác triệt để nhất mà có thể đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về dây chuyền đặc biệt này ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo TS. Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức – VIDEBRIDGE), tại Đức, thậm chí còn có cả một ngành kinh tế gọi là ngành kinh tế chất thải. Ngành này thu hút sự đầu tư của hàng ngàn doanh nghiệp với doanh thu hơn 50 tỷ Euro/năm.
“Tương lai không xa, chiến lược phát triển xanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ môi trường, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, TS Tân chia sẻ.
Điểm lại các công nghệ xử lý rác thải hiện tại, TS.Tân cho biết, thứ nhất, công nghệ HTC, biocarbon có thể sử dụng làm nhiên liệu sạch để đốt. Tuy nhiên, khi đó chi phí năng lượng sẽ cao nên sẽ không dùng phương pháp này để sản xuất điện năng. Thứ hai, công nghệ thiết bị TF, cũng đòi hỏi rác thải được phân loại từ nguồn và chỉ xử lý rác thải hữu cơ để làm thành phân compost. Hơn nữa, chi phí đầu tư thiết bị TF tương đối đắt tiền nhưng không sản xuất ra điện. Ngoài ra, công nghệ xử lý rác của Nhật Bản do tổ chức NEDO tài trợ đã dừng hoạt động vì chi phí quá cao và hiệu quả phát điện thấp. Công nghệ Trung Quốc có thể thấy tương đối lạc hậu, độ bền không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường trong suốt quá trình vận hành lâu dài, thường xuyên, với hiệu quả sử dụng năng lượng từ rác của công nghệ này không cao so với công nghệ Intec của Đức.
Theo TS. Tân, nhà máy điện rác sẽ từng bước thay thế công nghệ chôn lấp rác. Các bãi rác cũ sẽ được hoàn nguyên thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước mặt, nước ngầm. Ngoài ra, còn có thể cung cấp năng lượng xanh tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác. Từ đó, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Hiện nay phương án đầu tư nhà máy điện rác theo công nghệ Intec-TCP do các nhà đầu tư Việt Nam và EU đề xuất sẽ phù hợp với điều kiện rác thải môi trường và hiệu quả kinh tế cho cho Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán rác thải bằng công nghệ điện rác tối ưu
21:19, 13/01/2020
Đầu tư vào điện rác: Lời giải cho bài toán xử lý chất thải rắn ở Việt Nam
05:00, 05/04/2017
Thủ tướng thị sát công nghệ điện rác đầu tiên tại Việt Nam
20:28, 18/03/2017
Cần cơ chế thông thoáng
Theo tính toán,một dây chuyền công nghệ cho nhà máy xử lý rác tương ứng cần khoảng 250 triệu USD. Trong đó thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư, diện tích đất để xây dựng nhà máy khoảng 4ha. Đến năm 2030 có thể cần 10ha với công suất 2.500-3.000 tấn rác/năm. Giá thành xử lý rác ước tính 21USD/tấn.
Ngoài ra, nguồn thu của nhà đầu tư còn được bổ sung từ việc bán điện phát ra từ quá trình xử lý rác, bán các phế liệu thu được như thép, thủy tinh, sắt… "Với thực tế các thành phố của Việt Nam hiện nay, quy mô 1 nhà máy như vậy có thể thu hồi vốn đầu tư sau 12 năm, từ năm 13 trở đi nhà đầu tư có lãi", ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cho rằng cần một cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển công nghệ mang lại lợi ích cho quốc gia, cho cộng đồng. Doanh nghiệp chỉ mong chính quyền đô thị, người thực hiện đúng và đủ chính sách mà nhà nước đã ban hành, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu, chọn thầu phải thực hiện đúng.
Dù vậy, ông Huân cho rằng, vấn đề cốt lõi là yếu tố con người. Người lãnh đạo phải có tầm, tâm và đội ngũ tư vấn chính xác. Bởi các nhà lãnh đạo không phải các nhà nghiên cứu khoa học. Những quyết định của họ đôi khi dựa vào nền tảng thông tin rối loạn họ sẽ không biết được hết các ưu, nhược cụ thể để đưa ra quyết định chính xác.
Ví dụ, như rác thải điện năng thuộc lĩnh vực xử lý rác, chống ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch nên cần được ưu tiên về thuế thu nhập doanh nghiệp như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 5% trong 9 năm tiếp theo và từ năm thứ 15 trở đi thì được hưởng thuế suất 10%, dây chuyền thiết bị toàn bộ Made in Germany của nhà máy được nhập khẩu miễn thuế nhập khẩu. Bộ khoa học và công nghệ, Bộ tài nguyên môi trường có các quyết định chấp thuận công nghệ thiết bị,…