Hà Nội “tăng tốc” đón sóng đầu tư
116 dự án tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ VNĐ với số vốn tăng thêm hơn 266.229 tỷ VNĐ đã được TP.Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư…
Theo đánh giá các chuyên gia kinh tế, Những dự án và vốn đầu tư “khủng” vào Hà Nội được Thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra sáng nay 27/6 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 01 Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là chuyện “đương nhiên”. Bởi ngoài việc có cơ sở hạ tầng tốt, các khu, cụm công nghiệp hoàn thiện, giao thông thuận lợi, Hà Nội còn là trung tâm kinh tế, công nghiệp thương mại, dịch vụ… chính quyền Hà Nội luôn đồng hành lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ.
Thiện thời - Địa lợi - Nhân hoà
Chỉ nhìn từ bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 cho thấy, Hà Nội là năm thứ 2 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Điều đáng nói, mặc dù vẫn ở vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành, tuy nhiên Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm.
Ngoài ra, Chỉ số PCI 2019, TP. Hà Nội còn cho thấy có 3 chỉ số thành phần trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, bao gồm: Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” và chỉ số “Đào tạo lao động” đều xếp thứ 4/63; Chỉ số “Gia nhập thị trường” xếp thứ 10/63.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng TM&CN VN (VCCI), điều tra PCI năm 2019 cũng đánh giá, kết quả PCI 2019 ghi nhận sự nỗ lực của TP. Hà Nội về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đột phá trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển đã góp phần tăng niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với Hà Nội.
Thực tế, Chỉ số PCI khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo của TP. Hà Nội trong chỉ đạo điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Đặc biệt, năm 2015, Hà Nội thành lập Trung tâm Xúc tiến ĐTTM & DL TP. Hà Nội (HPA) là cầu nối giữa chính quyền Thành phố với doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh làm ăn thành công và lâu dài tại Thủ đô.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại cơ sở các quận, huyện, thị xã và Sở ngành của Thành phố cũng tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, khẳng định quyết tâm đồng lòng từ Thành phố cho đến cấp dưới đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Cùng với đó, TP. Hà Nội đã duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Triển khai mô hình “Cơ quan Đăng ký kinh doanh thân thiện”; Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực thuế, cấp mã số doanh nghiệp tự động cho doanh nghiệp thành lập mới không quá 30 phút; Kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt trên 95%; Trao đổi thông tin với doanh nghiệp 100% qua thư điện tử…
Lĩnh vực luôn được coi là rất khó ở Hà Nội như tiếp cận đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân (Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày).
Từ đó, những câu phàn nàn, bức xúc ‘Hà Nội không vội được đâu” của doanh nghiệp, người dân đã dần chìm vào quên lãng. Niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với Thành phố đã được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Theo ông Đậu Ngọc Hùng Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hà Nội, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2019 ước tính thực hiện 385,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2018, là mức tăng cao nhất trong 4 năm gần đây, trong đó: Vốn nhà nước 144,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% (vốn nhà nước Trung ương tăng 11,8% do vốn ODA năm 2019 thực hiện 12,9 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ năm 2018; vốn nhà nước địa phương quản lý tăng 18,5%); vốn ngoài nhà nước đạt 196,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 43,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19%.
Năm 2019, có 27,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 510,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 30% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; số vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 18,3 tỷ đồng, tăng 17%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Hà Nội điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư
116 dự án có tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD) được TP. Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư. Thành phố cũng ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD, trong đó có 23 MOU của các doanh nghiệp trong nước (17,855 tỷ USD) và 13 MOU của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (8,224 tỷ USD).
UBND Thành phố cũng công bố tại hội nghị Danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư cụ thể: 151 dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội; 9 dự án môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; 5 dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân- Nội Bài).
Thông qua Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” có thể thấy, đây là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền TP. Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối, đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đồng thời, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư; kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo.
Qua Hội nghị, TP. Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020; đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 ở mức 285.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ, để đạt được mục tiêu duy trì Chỉ số PCI 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm duy trì các chỉ số thành phần có truyền thống xếp hạng tốt như Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, Chỉ số “Đào tạo lao động”. Bên cạnh đó, tập trung cải thiện các chỉ số còn xếp hạng trung bình như: Thiết chế pháp lý, Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch…
Hà Nội tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch COVID -19.
Bên cạnh đó, Thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Thành phố tiếp tục triển khai các chính sách về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Phát huy tốt hơn vai trò “cầu nối” của các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề để các chính sách của Thành phố lan tỏa nhanh chóng đến các doanh nghiệp đồng thời nhanh chóng, kịp thời nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp để có giải quyết, tháo gỡ.
Có thể bạn quan tâm
Om phí bảo trì bị xử phạt, Chủ đầu tư chung cư "dát vàng" đề nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi Quyết định.
20:53, 06/04/2020
Ông Vương Đình Huệ làm Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
16:45, 18/02/2020
Vụ 13 doanh nghiệp “lao đao” tại huyện Đông Anh: Phó Thủ tướng chỉ đạo TP. Hà Nội xem xét, giải quyết
06:30, 09/01/2020
Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội): Nghi vấn chiếm dụng đất Dự án hồ Yên Sở?
11:26, 07/01/2020
TP. Hà Nội tổng kết chương trình sữa học đường năm học 2018 – 2019
14:58, 07/08/2019