Thành lập đặc khu cho “đại bàng”
Bài học từ láng giềng Indonesia và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã cho thấy, hình thành các đặc khu cho nhà đầu tư nước ngoài là giải pháp quyết liệt và nhanh nhất cho thu hút đầu tư.
Theo chuyên gia kinh tế TS Trần Đình Thiên, đến nay kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi tham gia hàng loạt FTA mới như: CPTPP, EVFTA rồi xu hướng dịch chuyển FDI khỏi Trung Quốc để né thương chiến, hay Cách mạng công nghiệp 4.0... đều được các chuyên gia quốc tế ví von là cơ hội vàng cho Việt Nam.
Khó có thể thay thế Trung Quốc
Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng các ngoại lực, đưa đất nước đi lên. Nếu chậm sửa đổi, thay đổi chính mình, cơ hội sẽ lại bị bỏ qua dễ hơn.
Ông Thiên ví dụ vấn đề các doanh nghiệp Việt hiện đang không tham gia được các chuỗi giá trị toàn cầu bởi năng lực yếu và sức mạnh nội tại, kỹ năng quản trị bị đánh giá kém. Trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khu vực, Việt Nam vẫn chỉ tiềm năng và là nhà xuất khẩu thô nhiều mặt hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản.
"Chúng ta đang gặp vấn đề là thu hút FDI từ Trung Quốc do thương chiến Mỹ - Trung bùng phát mạnh mẽ và có thể kéo dài. Tuy nhiên, để thay thế công xưởng này không phải là chuyện đơn giản, ví dụ như ngành dệt may, chúng ta có dám chấp nhận các dự án nhuộm vào hay không, đây là đầu bài để giải bài toán xuất xứ C/O sản phẩm khi chúng ta thực hiện các cam kết về xuất xứ nguồn gốc hàng xuất khẩu?", PGS, TS Trần Đình Thiên nói.
Nhiều lần chia sẻ với DĐDN về vấn đề này, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đồng quan điểm cho rằng, Việt Nam khó có thể thay thế Trung Quốc.
“Chúng ta dù có chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, lao động dồi dào nhưng lại có những điểm yếu về hạ tầng cứng và mềm, đặc biệt công nghiệp phụ trợ chưa có để đảm bảo chuỗi cung ứng cho các nhà đầu tư”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn phân tích, chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng tầm quốc tế. Trung Quốc sở hữu đến 7/10 siêu cảng trên toàn cầu. Chúng ta không có sân bay đảm bảo, đường xá...logistics giá cao. Chúng ta cũng không có ngành công nghiệp hỗ trợ giúp cho việc sản xuất của các nhà đầu tư. Môi trường kinh doanh cũng chưa thực sự tốt, vẫn còn phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài muốn vào xây dựng công nghiệp phụ trợ thì lại không có tư nhân nòng cốt.
Bài học từ “láng giềng”
Trong khi chúng ta còn thiếu nhiều như vậy thì chuyên gia cho biết, các đối thủ bên cạnh lại đang cho thấy nhiều sáng kiến, nỗ lực trong thu hút đầu tư. Đáng nói nhất là Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ là nền dân chủ, có dân số đông, lao động chi phí thấp hơn Việt Nam, công nghệ cao,..do đó có nhiều lợi thế.
Trong khi đó, Indonesia lại rất năng nổ trong thu hút đầu tư. “Được biết, ngay khi Tổng thốngJoko Widodo nhận chức đã mời các chuyên gia hàng đầu của Ngân hàng thế giới và các định chế tài chính ngồi lại để hỏi rằng các nhà tư bản dời Trung Quốc sẽ đi đâu? Các chuyên gia trả lời rằng họ đi rất nhiều nơi, đi 13 nơi nhưng không có Indonesia. Ngay lập tức ông đưa ra những hành động rất cụ thể”, ông Bùi Ngọc Sơn chia sẻ.
Theo đó, Indonesia bắt đầu bằng giảm thuế xuống dưới mức trung bình của Asean (22%). Tổng thống Indonesia yêu cầu mức thuế giảm xuống 20% cuối năm 2020. Bên cạnh đó, về vấn đề Luật Lao động, các nhà đầu tư rất ngại quy định về lao động của Indonesia do mỗi tỉnh một khác. Do đó, Tổng thống Indonesia đã yêu cầu thống nhất lại.
Đặc biệt, Indonesia đã cho hình thành các đặc khu, đây là giải pháp quyết liệt và nhanh nhất do không phải thay đổi chính sách trên toàn quốc.
Indonesia cũng có dân số lớn hơn gấp 3 Việt Nam do đó về đường dài sẽ lợi thế hơn, logistics tuy cũng tương tự như Việt Nam nhưng lại có lợi thế gần eo biển Maroca với Singapore nên có thể sử dụng ngay logistics của Singapore.
“Chúng ta không cần học ai, học ngay Indonesia thôi. Vấn đề là phải làm ngay, chúng ta làm hiện nay đã là chậm rồi”, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn chia sẻ.
Đề xuất giải pháp để thu hút đầu tư, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ cho rằng, cần có cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư FDI thế hệ mới. Bởi hiện nay có xu hướng là các công ty công nghệ của Mỹ bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư ở thị trường Việt Nam, tạo việc làm, giá trị đóng góp mặc dù không xuất hiện và hiện diện pháp nhân ở Việt Nam. Tuy vậy, chính sách lại chưa bắt kịp theo xu hướng này.
"Đặc thù các doanh nghiệp này là không cần mở văn phòng, ở một nơi có thể điều khiển hoạt động trên toàn cầu, tối ưu hóa quy trình. Do đó, tư duy chính sách FDI mới cần nắm bắt xu hướng này và đừng quá quan tâm lập pháp nhân ở Việt Nam, mà cần đưa ra chính sách cho phù hợp và thu hút nguồn lực từ bên ngoài mà vẫn có lợi cho Việt Nam như tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP, kết nối Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng", ông Thành nói.
Có thể bạn quan tâm
Thực hư chuyện Hải Phòng “quên” ưu đãi cho nhà đầu tư
05:00, 25/09/2020
WB: Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước
13:00, 22/09/2020
Gỡ vướng thúc tiến độ giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài
01:00, 27/08/2020
Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines
13:30, 10/09/2020
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia?
11:00, 08/09/2020
Cuộc đua "hút" các tập đoàn đa quốc gia: Việt Nam cần làm gì trước đối thủ đáng gờm Indonesia, Ấn Độ?
11:00, 03/09/2020