Quảng Ninh: Cảng Cái Lân “rơi vào ngõ cụt”

LÊ CƯỜNG 21/08/2021 04:00

Được đầu tư cả nghìn tỷ đồng với hy vọng sẽ đưa Quảng Ninh thành trung tâm cảng biển phía bắc. Nhưng hơn 10 năm nay, con đường mà cảng Cái Lân đang đi được ví như vào ngõ cụt.

 Ga Cái Lân nằm trong dự án đường sắt gần hơn 7.000 tỷ với tham vọng nâng tầm cho logistic Quảng Ninh. Nhưng hàng chục năm qua, dự án chỉ là sự thất vọng, thất thoát ngân sách khi không có nổi một chuyến tàu hàng.p/Ảnh: Lê Cường

Ga Cái Lân nằm trong dự án đường sắt gần hơn 7.000 tỷ với tham vọng nâng tầm cho logistic Quảng Ninh. Nhưng hàng chục năm qua, dự án chỉ là sự thất vọng, thất thoát ngân sách khi không có nổi một chuyến tàu hàng. Ảnh: Lê Cường

Công ty Cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân (CPI) được thành lập năm 2007 với mục tiêu chính là tạo ra chuỗi khép kín cung cấp dịch vụ cảng và logistic tại cảng. Trong chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam, Cảng Cái Lân được xây dựng và vận hành theo Quyết định228/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mô hình thí điểm cho thuê quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng.

Những con số thất vọng

Trái ngược với không khí xây dựng nhộn nhịp cách đây không lâu, trái với viễn cảnh tươi sáng trong diễn văn ngày khánh thành là một hiện tại u ám, đìu hiu. Cảng của những con tàu, dành cho những con tàu mà hàng loạt những cọc neo trơ khấc, mặt cảng buồn hiu, vắng bóng những con tàu...

Nhà ga Cái Lân được xây dựng quy mô, điểm đến và đi của những chuyến tàu hỏa chuyên chở hàng hóa cho các tàu trong cảng cửa đóng, then cài. Dọc tuyến đường sắt được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng trong một tham vọng nâng tầm hoạt động cho cảng biển không tiếng còi tàu, những đinh ốc tà vẹt han rỉ…không tàu, không người, không xe… một sự lạnh lẽo, hoang tàn đến đáng sợ.

Tại bãi chứa container chỉ loáng thoáng vài chiếc. Một công nhân ở đây cho biết, do dịch bệnh nên tuyến hàng hải quốc tế tạm ngừng hoạt động, riêng hàng container giảm đến 97%.

Theo tìm hiểu của DĐDN, không phải đến bây giờ, trong mùa dịch, tình cảnh cảng Cái Lân mới bi đát như vậy, mà những con số thua lỗ đã là “chuyện thường ngày ở huyện” hàng chục năm nay rồi.

Riêng năm 2019, theo báo cáo tài chính, dù lợi nhuận quý 4/2019 của CPI đạt 393 triệu đồng nhưng tính chung cả năm, công ty vẫn thua lỗ 974 triệu đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên đến 409 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Khoản thua lỗ khổng lồ này khiến CPI âm vốn chủ sở hữu 29,5 tỷ đồng.

CPI thua lỗ khi doanh thu tiếp tục đi lùi và đứng ở mức rất thấp. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 chỉ đạt 59,1 tỷ đồng, giảm 29,3 tỷ đồng, tương đương 33,1% so với năm 2018. Doanh thu giảm sâu nên lẽ ra CPI sẽ thua lỗ nặng hơn nếu công ty không thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Sức cạnh tranh sụt giảm là một trong những lí do khiến cho doanh thu Cảng Cái Lân “chạm đáy”, dẫn đến thua lỗ.

Còn một nguyên nhân khác mang tên Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân (CICT). Cụ thể, năm 2007, CPI chi 25,49 triệu USD thành lập CICT để nắm giữ 51% vốn CICT. Thế nhưng, những khoản thua lỗ đậm của CICT đã khiến CPI phải dành 473 tỷ đồng để trích lập dự phòng. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực cứu nguy, khu cảng hiện đại với năng lực xếp dỡ “khủng” vẫn trong cảnh vắng bóng tàu, hàng hóa qua cảng ít ỏi. Hồi năm 2014, CICT gây sốc khi lỗ mỗi tháng 1 triệu USD và kéo dài đến năm 2021, mà nhiều người ngán ngẩm gọi đây là cuộc hành trình “xuống đáy”.

“Chỉ là con ghẻ”?

Vì sao cảng Cái Lân được quan tâm đầu tư nhưng không phát triển như kỳ vọng? Đây là câu hỏi rất cần được phân tích, mổ xẻ, trả lời thấu đáo từ các cơ quan chức năng. Song đến nay, câu trả lời vẫn còn để ngỏ.

Nói về việc yếu kém, đặc biệt, không còn một tàu hàng ô tô nào đến Quảng Ninh, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh chưa có nhiều các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, đại lý hãng tàu qua cảng. Đơn cử như ở Lạch Huyện (Hải Phòng), khi mới đưa tàu vào khai thác, các hãng tàu đã được giảm 50% phí nâng hạ. Đồng thời, công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét luồng hàng hải đạt độ sâu thiết kế, mở rộng vùng quay trở để các tàu hàng trên 5 vạn tấn trước khi vào cảng Cái Lân không phải sang tải, hạ tải tại các điểm neo cũng chưa được quan tâm thực hiện. Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở trong khu vực cảng đã xuống cấp, đường ra vào cảng chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc khi có từ 2 tàu hàng rời trở lên vào làm hàng. Tất cả những điều này đang làm cho cảng Cái Lân mất rất nhiều lợi thế so với cảng Hải Phòng. Để thu hút được hàng container cảng chỉ còn cách đưa ra giá dịch vụ rất thấp, chấp nhận bù lỗ, để đảm bảo công việc, đời sống cho người lao động”, ông Nam nói.

Những năm qua Quảng Ninh có chủ trương chuyển đổi phát triển kinh tế từ nâu sang xanh với mũi nhọn là du lịch và cảng biển. Nhưng, thực tiễn những gì thấy tại cảng Cái Lân khiến người ta nghĩ du lịch mới là “đứa con cưng” còn khu cảng Cái Lân chỉ là “con ghẻ”. Bởi du lịch được Quảng Ninh dồn toàn bộ tâm sức cho sự bứt phá. Hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước với những dự án về cao tốc, sân bay, khu vui chơi, khu đô thị, biệt thự hạng sang… nhằm đưa du lịch lên một tầm cao mới.

Trong khi đó, cảng biển, một tiềm năng lớn, một đề án chiến lược đã được phác thảo để bứt phá từ hàng chục năm nay, nhưng giờ đây vẫn chỉ là tiềm năng là trên giấy? Bởi hạt nhân trong hệ thống cảng biển Quảng Ninh là khu cảng Cái Lân đang “chìm xuống đáy” của những bất cập và thua lỗ. Sự ảm đạm, hao mòn và xuống cấp...

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất 500 tỷ đồng nâng cấp Cảng Cái Lân - Quảng Ninh

    Đề xuất 500 tỷ đồng nâng cấp Cảng Cái Lân - Quảng Ninh

    00:30, 24/02/2020

  • Nhà máy thép Cái Lân: Di chứng cay đắng và kết cục đau xót

    Nhà máy thép Cái Lân: Di chứng cay đắng và kết cục đau xót

    20:00, 21/02/2019

  • Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ I: Hoang tàn Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân

    Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ I: Hoang tàn Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân

    17:06, 19/12/2018

LÊ CƯỜNG