CPTPP sẽ thúc đẩy FDI vào Việt Nam
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam của các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn sau khi Hiệp định được ký kết.
Hiện nay, Nhật Bản, Singapore, Malaysia,... đang là những nhà đầu tư nước ngoài dẫn dắt dòng vốn FDI vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư ước tính đạt khoảng hơn 100 tỷ USD, chiếm 1/3 trên tổng số 322 tỷ USD vốn đầu tư FDI của Việt Nam.
Điều này được thể hiện rõ ngay trong những dự án đầu tư mới trong tháng 2/2018. Có đến 3/5 dự án đầu tư lớn trong tháng 2 được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore. Chẳng hạn như dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD và Dự án Nhà máy Dệt và May trang phục Ramatex Nam Định có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD của nhà đầu tư Singapore. Ngoài ra, Dự án Nhà máy Ykk Hà Nam với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản.
Tính theo luỹ kế đến tháng 2/2018, Việt Nam thu hút được 49,58 tỷ USD dòng vốn FDI từ Nhật Bản; 42,8 tỷ USD dòng vốn FDI từ Singapore và Malaysia là 12,3 tỷ USD. Cả 3 nhà đầu tư này đều năm trong top 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ở Việt Nam.
Tuy nhiên, những cái tên còn lại trong khuôn khổ CPTPP thì vẫn còn rất khiêm tốn. Ví dụ như Canada là 5,1 tỷ USD, Australia là 1,8 tỷ USD, New Zealand là 102 triệu USD. Ít nhất có lẽ là Chile và Mexico với 1 dự án đầu tư trị giá khoảng chục ngàn USD.
Vì vậy, qua những con số này có thể thấy, bên cạnh những ông lớn thì vẫn có những nhà đầu tư nằm ngoài từ trường từ “thỏi nam châm” thu hút FDI Việt Nam.
Vì vậy, khi CPTPP được ký kết, sẽ mở ra những kỳ vọng, không chỉ các nước vốn có hoạt động đầu tư lớn tại Việt Nam mà ngay cả những nước đang có dòng vốn ít ỏi sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Nhận định về xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam sau khi CPTPP được ký kết, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP sẽ thúc đẩy FDI vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp”.
Ngoài ra, ông Trần Hoàng Thắng, chuyên gia của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết: “Dù không được như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng với CPTPP, Việt Nam vẫn có nhiều lợi ích. Chẳng hạn, Hiệp định sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu của các nước bên kia bờ Thái Bình Dương, như Canada, Mexico, Peru - những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại”.
Cũng theo ông Thắng, ngay cả với các thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand mà Việt Nam đã có FTA, thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường này.