Nga sẽ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam

Ngọc Hà 13/04/2018 13:00

Nhà đầu tư Nga mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Đây được kỳ vọng là hướng đi mới giúp tăng dòng vốn đầu tư FDI từ Nga vào Việt Nam.

Đầu tư nông nghiệp đang trở thành xu hướng của các nhà đầu tư đến từ Nga.

Đầu tư nông nghiệp đang trở thành xu hướng của các nhà đầu tư đến từ Nga.

Đây là thông tin được ông Robert Kurilo - Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Tp. Hồ Chí Minh xác nhận. "Nông nghiệp sẽ trở thành một trong những xu hướng hợp tác đầu tư mới giữa Việt Nam – Nga bên cạnh những lĩnh vực truyền thống", ông Kurilo cho biết.

Đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga

Ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian gần đây đã trở thành một lĩnh vực thu hút hợp tác đầu tư của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác ngoài Nga như Hàn Quốc, Nigeria, Hungary, Thái Lan, ...

Theo đó, mô hình hợp tác sẽ được triển khai là sử dụng công nghệ, kỹ thuật, giống của các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm đảm bảo được chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Nhận định về tiềm năng hợp tác đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới, ông Robert Kurilo cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều loại nông sản trái cây ngon trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tại Nga rất lớn. Cụ thể, Nga đang nhập khẩu nhiều trái cây từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga”.

Bên cạnh đó, việc hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng Nga, đón đầu được xu hướng và xác định được các tiêu chí cụ thể.

Được biết, trước cơ hội này, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng rất kỳ vọng vào việc các dự án đầu tư được triển khai cụ thể, để các sản phẩm nông nghiệp từ hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt – Nga sẽ vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt là các nước thành viên trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).

Kỳ vọng từ nông nghiệp

Lũy kế đến tháng 3/2018, Nga đang là nhà đầu tư lớn thứ 26 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 115 dự án trị giá 983 triệu USD. Trong quý I/2018, mặc dù không có dự án đầu tư mới, nhưng thị trường Việt Nam ghi nhận 10 lượt góp vốn và mua cổ phần từ nhà đầu tư Nga trị giá 870.000 USD.

Hiện nay các nhà đầu tư Nga đang đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực như dầu khí, khai khoáng, bất động sản,... Theo đó, trong các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro được nhắc tới nhiều nhất như là một điển hình thành công trong hợp tác đầu tư Việt -Nga.

Nhắc đến hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí giữa Nga và Việt Nam cũng phải kể đến Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 12/11 ký ngày 19/12/2012, tổng vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD với mục tiêu khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, còn có Dự án Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải và dầu của Công ty TNHH Soges Corporation với tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD; dự án dịch vụ cầu cảng, đóng mới giàn khoán, đóng tàu và thăm dò địa chất thềm lục địa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,...

Trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nga VTB và quỹ đầu tư nhà nước - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác đầu tư. Theo thỏa thuận này, các khách hàng của VTB có thể đầu tư vào các công ty và dự án mà SCIC có cổ phần. Trong khi đó, các công ty của Việt Nam với sự hỗ trợ của VTB có triển vọng đầu tư vào Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) và các nước mà VTB hoạt động.

VTB cũng sẽ hợp tác với các công ty đối tác của SCIC nhằm thu hút nguồn kinh phí và tạo ra nhiều hợp đồng trên thị trường nợ và vốn cổ phần quốc tế.

Tuy nhiên có một thực tế cần phải nhìn nhận rằng, dòng vốn đầu tư từ Nga vào Việt Nam vẫn còn “nhỏ giọt” và hạn chế. Bởi từ trước đến nay mới chỉ có dự án đầu tư quy mô tỷ USD từ Nga vào Việt Nam, nhưng đến nay đã “tan biến”. Cụ thể là dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center, có tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe bus và dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định. Sau 3 năm được cấp chứng nhận đầu tư, dự án vẫn “đắp chiếu” và “phá sản” khi vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Định đã chính thức rút giấy phép đầu tư.

Sau đó, dòng vốn FDI từ Nga vào Việt Nam cũng đã giảm đi một nửa và chỉ còn chưa đển 1 tỷ USD cho tổng số 115 dự án. Điều này cho thấy, quy mô trung bình các dự án này không quá chục triệu USD. Vì vậy, việc tìm ra một lĩnh vực đầu tư mới, trọng điểm như nông nghiệp được kỳ vọng là hướng đi mới sẽ thúc đẩy được dòng vốn đầu tư của Nga vào Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Ngọc Hà