Doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ: Hợp tác phát triển công nghiệp chế biến khoai tây
Hơn 90 doanh nhân đến từ 65 doanh nghiệp Bỉ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.
Đây là thông tin được doanh nghiệp Bỉ đưa ra nhân chuyến thăm từ khảo sát, tìm hiểu thị trường hợp tác và đầu tư tại Việt Nam từ ngày 13-18/5, nhân dịp kỉ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Bỉ.
Theo đó, đã có khoảng 90 doanh nhân đến từ 65 doanh nghiệp Bỉ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư. Cụ thể, nông nghiệp, đóng tàu, công nghệ cao và năng lượng sạch là những lĩnh vực doanh nghiệp Bỉ nói chung và đặc biệt là vùng Flanders mong muốn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó đặc biệt mong muốn thúc đẩy hợp tác về chế biến nông sản.
Được biết có khoảng 5 tập đoàn gia đình của Bỉ như Agristo, Bart's Potato Company, Clarebout Potatoes, Ecofrost và Mydibel cùng đại diện nhóm "Khoai tây chiên Bỉ" cũng đã có mặt tại Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như mở rộng thị phần tại Việt Nam đối với sản phẩm khoai tây đã qua chế biến.
Qua chuyến khảo sát này, các doanh nghiệp Bỉ cho rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với sự gia tăng tầng lớp trung lưu, đô thị hoá và dân số trẻ. Đây chính là những điểm chính để các doanh nghiệp Bỉ quan tâm tới thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nhận định về thị trường Việt Nam, ông Romain Cools - Tổng thư ký Hiệp hội Belagpom chia sẻ: “Việt Nam được biết đến như một thiên đường dành cho người yêu ẩm thực và người tiêu dùng Việt Nam cũng vô cùng tinh tế trong việc lựa chọn và yêu thích món ăn ngon. Hiện nay, khoai tây chiên của Bỉ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội giới thiệu một trong những sản phẩm được yêu thích nhất của quốc gia với đất nước Việt Nam".
Năm 2017 thị trường Việt Nam ghi nhận sản lượng khoai tây nhập khẩu từ Bỉ tăng 50%. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Bỉ, Việt Nam vẫn nhập khẩu các loại khoai tây, đặc biệt là khoai tây tươi từ Trung Quốc là chính. Vì vậy, nhằm tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Bỉ mong muốn hợp tác với Việt Nam trồng và chế biến khoai tây tại Việt Nam.
Chính vì vậy, ông Romain Cools tin tưởng rằng: “Việt Nam sẽ ít phụ thuộc vào Trung Quốc đối với mặt hàng khoai tây khi sản lượng tăng lên 45 tấn/ha nhờ áp dụng giống và công nghệ kỹ thuật của Bỉ”.
Hiện nay, Bỉ là quốc gia xuất khẩu khoai tây đông lạnh lớn nhất thế giới, với 90% tổng sản lượng được xuất khẩu ra toàn thế giới, trong đó tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu khoai tây chiên của Bỉ là 14,3%, đạt mức 1,68 triệu tấn.
Được biết, vùng Flanders của Bỉ xuất khẩu 492 triệu Euro nhưng nhập khẩu tới 2 tỉ Euro từ Việt Nam. Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp Bỉ tới Việt Nam lần này đó chính là thúc đẩy hoạt động giao lưu thương mại theo hướng cân bằng hơn.
Hiện nay, Bỉ đang là nhà đầu tư lớn thứ 25 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 64 dự án trị giá khoảng 913 triệu USD. Trong tháng 4/2018, thị trường đầu tư Việt Nam ghi nhận 6 đợt góp vốn, mua cổ phần trị giá 1,85 triệu USD và 2 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 1,3 triệu USD, đưa tổng vốn đăng cấp mới của nhà đầu tư Bỉ tại Việt Nam đạt 3,15 triệu USD.
Thông qua chương trình khảo sát thị trường này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam – Bỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là nông sản.