Công nghiệp hỗ trợ cần "cú hích"
Cú hích tạo đột phá trong phát triển công nghiệp hỗ trợ là nâng cao năng lực khoa học, kỹ thuật sản xuất, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam
Trong đó, đặc biệt, chú trọng yếu tố xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam.
Đây là một trong những khuyến nghị được đưa ra nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam dưới góc nhìn của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuồi kỳ 2018.
Mặc dù, ngành công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là còn nhiều tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quy mô sản xuất sản phẩm cuối cùng vẫn còn nhỏ.
Nhìn lại thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, có thể thấy, về số lượng doanh doanh nghiệp, theo số liệu từ Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô tại Việt Nam là 358 doanh nghiệp.
Trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn quá thấp so với con số 2.500 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô tại Thái Lan.
Theo đó, công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng như: Các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, nhíp lò xo, ống xả, ruột két nước…
Ngoài ra, hoạt động đầu tư cho sản xuất linh kiện ô tô còn mang tính chất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam còn hạn chế.
Xuất phát từ những thực tế này, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã đề xuất, Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản cần mở rộng hơn nữa khuôn khổ hợp tác của “Chương trình đào tạo kỹ thuật viên Việt Nam" và triển khai đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư máy, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng người Việt Nam.
Để thực hiện được điều này, JCCI tiếp tục kiến nghị đề xuất, Chính phủ Việt Nam cải thiện khung pháp lý để phát triển nguồn nhân lực chuyên gia kỹ thuật trong nước. Cụ thể, nới lỏng các quy định về cấp thị thực cho các chuyên gia kỹ thuật lớn tuổi những có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm, để đội ngũ chuyên gia này có điều kiện sang Việt Nam để đào tạo và truyền nghề. Đây được xem là một biện pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ.
Mặc dù, để đào tạo được nguồn nhân lực và nâng cao tính tự chủ trong khoa học, kỹ thuật sản xuất thì cần một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, song song với đó, cũng cần tiến hành các chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam.
Liên quan đến chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, JCCI kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần đưa ra lời kêu gọi đầu tư với những chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế hỗ trợ tài chính để giảm gánh nặng khấu hao khuôn, gá cũng như thúc đẩy việc liên kết với doanh nghiệp Việt Nam và chuyển giao công nghệ... Đây được xem là những biện pháp có khả năng thu hút và khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có năng lực cạnh tranh được xem là một trong những giải pháp tăng trưởng bền vững và giúp nền kinh tế không rơi vào bẫy thu nhập trung bình