Cà phê Việt “rộng đường” xuất khẩu

Bảo Lam 08/12/2018 11:01

Dù mới thâm nhập vào thị trường Ai Cập nhưng cà phê Việt Nam đã tăng đáng kể từ hơn 84.000 tấn năm 2017 lên gần 120.000 tấn ước tính của năm 2018 với giá trị khoảng 25 triệu USD.

Ai Cập không trồng cà phê, việc cung cấp dựa hoàn toàn vào nhập khẩu. Xu hướng tiêu thụ của giới trẻ ngày nay đã góp phần làm tăng cả về số lượng và giá trị của cà phê.

Hiện nay, cùng với chè, cà phê đã trở thành đồ uống ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi Ả rập. Bên cạnh đó, tại những nước này, số lượng người nước ngoài, chủ yếu là châu Âu đến sinh sống và làm việc ngày một đông. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu cà phê tăng mạnh, nhất là khi các nước trong khu vực không trồng được loại cây này.

Ước tính nhu cầu tiêu thụ tăng khoảng 5%/ năm, với nguyên nhân là do dân số tăng, xu hướng chuyển sang uống cà phê của người dân và lượng khách du lịch nước ngoài tới Ai Cập ngày càng tăng, dẫn đến thị trường còn nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày Cà phê Việt Nam lần 2 năm 2018: Phát triển cà phê Việt Nam bền vững

    17:22, 23/11/2018

  • Phúc Sinh Sơn La: Nâng tầm cà phê arabica Việt Nam trên bản đồ quốc tế

    11:45, 08/11/2018

  • Nuticafé làm say lòng giới “nghiền”cà phê chất

    15:29, 06/11/2018

  • “Cà phê tươi” chỉ đánh vào cảm xúc người tiêu dùng

    11:10, 20/10/2018

  • Tín Nghĩa "khởi động" cuộc chơi cà phê hòa tan

    08:00, 17/10/2018

  • Cà phê chuẩn toàn cầu cho người Việt

    05:31, 07/10/2018

  • Cà phê Việt: Thị trường đang dần chuyển động theo chuẩn mới

    06:06, 03/10/2018

  • Kinh doanh chuỗi cà phê: Ngọt ngào hay cay đắng?

    11:00, 26/09/2018

Tại cuộc gặp mới đây giữa các nhà nhập khẩu cà phê của Ai cập với các đơn vị cung ứng cà phê tại Việt Nam, ông Mohamed Abd Elaziz - Giám đốc công ty Maxcafe cho biết: “Cà phê Việt Nam rất nổi tiếng và các mẫu mà nhà xuất khẩu Việt Nam mang tới đây rất tốt. Bước đầu tôi có thể nhập khoảng 40-50 tấn mỗi tháng”.

Theo các thương nhân, Ai Cập là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu cà phê hạt của Việt Nam và để họ có thể tự rang chế theo cách thức riêng đảm bảo hương vị mà người tiêu dùng ưa thích. Cà phê Việt Nam có chất lượng tốt, giá thành phù hợp, bao bì thiết kế rất bắt mắt mà chi phí lại rẻ hơn các nước khác.

Chúng tôi lựa chọn cà phê Việt Nam bởi chất lượng và hương vị của nó. Mỗi tháng chúng tôi có thể nhập từ 1-2 container và một năm có thể là 24 container, cũng có thể nhiều hơn tùy thuộc vào thị trường trong nước”, ông Sayed Ahmed - Giám đốc Công ty thương mại và phân phối Al Rehab nói.

Để có thể phát huy hơn nữa thế mạnh cạnh tranh về giá của cà phê Việt Nam, ông Mark Anthony Emad -Chuyên gia và là nhà nhập khẩu cà phê của công ty Java Egypt lưu ý, các nhà sản xuất Việt Nam cần đảm bảo chất lượng cà phê là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin và duy trì các kênh liên lạc giữa nhà cung cấp và công ty nhập khẩu, tạo ra các hợp đồng hấp dẫn với những ưu đãi phù hợp cho các nhà nhập khẩu. Đặc biệt, cần đảm bảo tính minh bạch trong các điều khoản hợp đồng như điều khoản thanh toán, thời hạn giao hàng.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2008, Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập 8.480 tấn cà phê, trị giá 16,9 triệu USD. Sau 10 năm, sản lượng xuất khẩu đã lên gần 120.000 tấn ước tính của năm 2018 với giá trị khoảng 25 triệu USD.

Dự báo, sức tiêu thụ cà phê của thị trường Ai Cập chắc chắn còn rất lớn bởi nhu cầu uống cà phê như một xu hướng mới với quy mô dân số hơn 100 triệu dân trong đó có tới gần 70% số người thích uống cà phê. Cùng với sự ổn định kinh tế và an ninh, du lịch tăng, Ai Cập sẽ là thị trường lớn cho các nhà xuất khẩu cà phê trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Để giữ vững và đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu cà phê sang Ai Cập, các chuyên gia cho rằng, ngoài cà phê nguyên liệu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào lĩnh vực hợp tác chế biến xuất khẩu cà phê hòa tan theo chuẩn quốc tế để hòa nhịp với sự thay đổi lối sống của giới trẻ mà trực tiếp làm tăng nhu cầu cà phê xay nguyên chất espresso và cà phê hòa tan.

Bảo Lam