Doanh nghiệp muốn nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị ngành cà phê bằng cách nào?

Song Hà 13/12/2018 22:54

Tăng cường liên kết chuỗi dọc trong ngành cà phê nói riêng và liên kết ngang giữa 4 nhà đang là nhu cầu tự thân “nóng bỏng” để doanh nghiệp ngành cà phê nâng cao vị trí của mình trong chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu cà phê khi mà thuế xuất khẩu của Việt Nam có thể về gần 0%, đây sẽ là lợi thế vô cùng lớn, giúp Việt Nam không chỉ là trung tâm trồng trọt cà phê mà còn có thể là trung tâm sản xuất cà phê của thế giới.

Khó nâng vị trí trong chuỗi giá trị

Bộ trưởng Bộ NN& Phát triển Nông thôn thăm vườn cà phê tại hộ nông dân Nguyễn Đăng Tỉnh thị trấn Nam Ban-Lâm Hà-Lâm Đồng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thăm vườn cà phê tại hộ nông dân Nguyễn Đăng Tỉnh thị trấn Nam Ban, Huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Theo các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam chủ yếu tham gia vào khâu trồng trọt – khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Hạt cà phê sau khi được thu hoạch sẽ được chế biến sơ qua và xuất khẩu sang các nước tiên tiến với kỹ thuật công nghệ cao chuẩn bị cho quá trình chế biến sâu.

Từ đây, thương hiệu cà phê Việt Nam dần bị thay thế bởi các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam không giành được giá trị gia tăng ở khâu tiếp theo. Sự phát triển không đồng đều giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam đã làm cản trở sự phát triển của ngành.

Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp ngành cà phê sẽ tận dụng các cơ hội này như thế nào để mang lại giá trị gia tăng cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thay vì chỉ đơn thuần là xuất khẩu thô như hiện nay. Được biết, 90% sản lượng cà phê hiện nay là xuất khẩu thô, chính vì vậy giá trị gia tăng mang lại cho các doanh nghiệp là không nhiều.

Việc chưa có được giá trị gia tăng cao, có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có thể kể đến, mối liên kết chưa chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông), khiến cho sự phối hợp đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, mối liên kết giữa 4 nhà cũng chưa tạo được “kết dính”. Như nhận định của Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban điều phối ngành hàng cà phê (VCCB), Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), đã từng chỉ ra: “Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê chủ yếu thu mua qua trung gian khiến cho giá trị thực tế chuyển giao về tay người nông dân còn hạn chế và chất keo gắn kết nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Kéo theo đó là việc thiếu kiểm soát chất lượng cà phê và sự ảnh hưởng tới môi trường do canh tác tự phát. Cơ chế thu mua phân loại cũng chưa tạo động lực cho nông dân để họ tự nâng cao chất lượng cà phê.

Chính những điều này cộng hưởng với sự phát triển không đồng đều giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành cà phê được chỉ ra là nguyên nhân kéo chậm sự phát triển của ngành.

Nhân rộng mô hình PPP

Nhằm khắc phục những hiện trạng của ngành và nắm bắt được những cơ hội “vàng” mà hội nhập mang lại, Chính phủ đã mong đợi đẩy ngành hàng cà phê lên thành ngành nông sản lớn. Điều này được thể hiện qua kế hoạch “Xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng sản xuất bền vững, hợp tác công tư (PPP) trong ngành hàng cà phê Việt Nam”.

Theo đó, trong giai đoạn 2 (2018-2020), mô hình hợp tác công- tư (PPP) trong ngành hàng cà phê sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết chuỗi để gia tăng giá trị cà phê Việt Nam, với các mục tiêu cụ thể: Có trên 80.000 hộ nông dân tham gia với 97.000 ha; thu hút sự tham gia của nhiều đối tác như Nestlé Việt Nam, GCP, IDH, Yara, Bayer, EDE, ACOM, OLAM, Simexco, WASI… Để đạt được kết quả đó, ngành cà phê sẽ mở rộng mô hình hợp tác công tư cà phê có tính nhân rộng cao; tăng cường đo lường và giám sát hiệu quả thực hiện; tăng cường kết nối giữa các Tiểu Ban điều phối ngành hàng cà phê và những dự án liên quan nhằm đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị.

Được biết, kể từ năm 2011, Tập đoàn Nestlé đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Trong đó, phải kể đến dự án NESCAFÉ Plan liên kết người nông dân, doanh nghiệp với Viện Khoa học Kỹ thuận Nông, Lâm, Nghiệp Tây Nguyên (WASI) nhằm thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống bằng kỹ thuật tiên tiến. Cụ thể, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, nhân giống, kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tỉa cành, kỹ thuật thu hoach cà phê chín và bảo quản sau thu hoạch…), góp phần cải tạo diện tích cà phê già cỗi bằng hoạt động phân phối cây giống cho nông dân, cải thiện kinh tế cho các nông hộ, duy trì một môi trường canh tác bền vững để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu.

Với mô hình PPP, đã làm "thoả mãn" mong muốn của các bên trong việc xây dựng chuỗi liên kết. Cụ thể, 

Theo đó, nông dân thì muốn tăng cường năng suất, sản lượng, có thị trường ổn định; DN xuất khẩu cần vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, xác lập tiêu chuẩn đảm bảo, cần chế biến sâu. DN đa quốc gia cũng muốn vùng nguyên liệu ổn định và theo hướng phát triển bền vững để đi sâu hơn vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu.

Các mô hình hợp tác công tư đã chứng minh được hiệu quả bước đầu trong phát triển chuỗi giá trị cà phê Việt Nam. Tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình này sẽ giúp ngành cà phê có được sự phát triển bền vững, nắm bắt được các cơ hội to lớn từ các hiệp định thương mại đã và sắp đi vào thực thi trong thời gian tới.

Song Hà