Đón cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản
Nhật Bản đang là một trong những thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù vậy, việc xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản không phải dễ dàng, vì những yêu cầu, tiêu chuẩn của Nhật Bản rất khắt khe.
Lợi thế của doanh nghiệp Việt
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT), chỉ cần ký hợp đồng với người Nhật Bản, họ sẽ lấy hàng của Việt Nam không qua cơ quan nào kiểm duyệt nào của Nhật Bản, dựa trên quan hệ B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), với điều kiện thực phẩm có chất lượng tốt, doanh nghiệp Nhật hướng dẫn chế biến, đóng gói. Ngoài ra, người Nhật rất coi trọng về độ tươi của sản phẩm nên khâu bảo quản phải được đảm bảo kỹ lưỡng để tránh mất giá trị của sản phẩm. “Nếu xuất khẩu đi các nước khác thì thời gian sẽ kéo dài, khó đảm bảo chất lượng của sản phẩm, nhưng với thị trường Nhật Bản rất gần với Việt Nam, đây sẽ là một lợi thế đối với Việt Nam”, bà Minh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng khi sử dụng các chất kháng sinh, thuốc trừ sâu, chất bảo quản. Nếu lần đầu bị phát hiện, thì Nhật sẽ tăng 30% số lượt kiểm tra của quốc gia. Nếu tiếp tục phát hiện, Nhật sẽ kiểm tra 100% lô hàng của cả quốc gia.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần theo dõi, cập nhật các cảnh báo của cơ quan thẩm quyền tại Nhật Bản để thích ứng kịp thời.
Cần quản lý chặt chẽ hơn
Tại thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chưa để ý tới các quy trình quản lý sản phẩm. Bởi vậy, muốn có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái chặt chẽ hơn. Khi xây dựng được lòng tin với người Nhật, họ sẵn sàng chia sẻ bí quyết để sản phẩm của chúng ta có chất lượng tốt hơn.
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Vietnam cho biết, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là rất lớn. “Khi chấp thuận hợp tác, trước tiên chúng tôi sẽ khảo sát nhu cầu của người dùng tại AEON, khi doanh nghiệp Việt Nam đã có thể bán hàng cho AEON, thì sản phẩm của doanh nghiệp đó có thể được triển khai ra nhiều các cửa hàng của hệ thống AEON”, ông Yuichiro Shiotani chia sẻ.
Theo ông Yuichiro Shiotani, về chất lượng và sản phẩm, thì tại Nhật và Việt Nam không khác nhau lắm. Tuy Việt Nam có tiêu chuẩn cao nhưng việc áp dụng chưa đạt yêu cầu. Để thay đổi những điều này, thì người quản lý doanh nghiệp cần chuyên nghiệp và quản lý chặt chẽ hơn.