Vì sao vẫn khó thực hiện các dự án đầu tư theo mô hình PPP?
Cơ chế triển khai phương thức đối tác công tư rất phức tạp, tuy nhiên đây là đặc thù tại nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng tại Việt Nam.
Hiện nay, theo ghi nhận của Nhóm Công tác đầu tư - (VBF) thì Việt Nam chưa có dự án PPP nào nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính (viability gap funding) căn cứ theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Hoặc liệu đã có dự án PPP được hoàn thành bởi các nhà tài trợ tư nhân hoặc là dự án được các ngân hàng tư nhân hỗ trợ tài chính?
Câu hỏi đặt ra là lý do vì sao chưa có các dự án PPP thực sự?
Có nhiều lý do được chỉ ra, trước tiên phải nói rằng, PPP rất phức tạp. Bởi, đây không phải đặc thù tại riêng Việt Nam mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà Nước là có hạn, vì vậy chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị.
Theo đó, PPP chỉ thực sự bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng. Điều này có nghĩa là phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia là những người có trình độ quản lý và chuyên môn cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Ví dụ, trong thực tế đã cho thấy sự thành công của các dự án điện BOT tại Việt Nam, và để có những dự án thành công như vậy trong các ngành, lĩnh vực khác thì cần phải có thời gian.
Tuy nhiên, cần phải nhìn vào những vướng mắc hiện nay. Trước tiên, phải kể đến việc không có hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn về việc làm thế nào để nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính, vì vậy, các nhà đầu tư không biết làm thế nào để được hỗ trợ?
Hai là, mặc dù nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính là yếu tố trung tâm của PPP tuy nhiên, việc không có các nguyên tắc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính, do đó dường như các nhà dầu tư, doanh nghiệp tư nhân không mặn mà lắm với PPP.
Ba là, PPP quá nguyên tắc và thường rất khó có thể đáp ứng kịp thời tất cả các yêu cầu của phương thức hợp tác này.
Bốn là, hoạt động đấu thầu gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả cho Việt Nam hơn các dự án được thương lượng, đàm phán riêng.
Vậy làm thể nào để đảm bảo cơ chế đầu tư PPP mang lại hiệu quả? Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng tin rằng, thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án đầu tư thông qua mô hình PPP cần có sự kết hợp đồng thời giữa việc hỗ trợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trước tiên, trong ngắn hạn, nếu những dự án này được thiết kế theo yêu cầu, chúng có thể mang lại kiến thức về thị trường và tạo lập cơ sở cho các dự án sau này. Đặc biệt là liên quan đến việc phân chia rủi ro.
Trong trung hạn, cần thiết có một luật mớI, trong đó dự thảo chi tiết nhằm khắc phục một số vấn đề hiện tại trong hợp tác PPP.
Trong dài hạn, Nhóm công tác cơ sở hạ tầng biết rằng, cần nâng cao năng lực quản lý. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực thực hiện các dự án PPP thí điểm. Vấn đề là những nỗ lực này đang cố gắng để hiểu rõ Quy Chế PPP hiện tại và năng lực quản lý chưa phù hợp.
Để khắc phục vấn đề này, các dự án thí điểm có thể được thiết lập theo một Quyết định đặc biệt của Văn Phòng Chính Phủ như trường hợp đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Theo đó, kinh nghiệm và kiến thức thu được từ dự án này sẽ được đưa vào Luật PPP mới và đưa vào kinh nghiệm quản lý hiệu quả hơn.
Để giải quyết những tồn tại trong cơ chế PPP hiện nay, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng đề xuất 3 nội dung trọng tâm.
Cụ thể, Một là, các nguyên tắc phân chia rủi ro trong mỗi phân mục cơ sở hạ tầng (infrastructure sub- sector).
Hai là, các nguyên tắc rõ ràng về nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính và về việc làm thế nào để nhận được hỗ trợ của Chính Phủ trong trường hợp có rủi ro mà không thể giải quyết được.
Ba là, tính ổn định của chính sách. Một công ty có thể xây dựng một nhà máy điện tuân thủ luật môi trường có hiệu lực vào ngày hôm nay và tự ấn định một mức giá cố định, nhưng công ty không thể thực hiện điều đó nếu ngày mai công ty phải chịu trách nhiệm chi 100 triệu đô để tuân thủ luật môi trường.