Thị trường Nhật Bản đã "rộng cửa" với doanh nghiệp Việt?
1000 thanh socola của doanh nghiệp Việt sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong tháng 4. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và ngành cacao Việt Nam.
Trong tháng 4 này, Công ty TNHH thực phẩm Amazon - đơn vị thành viên của HTX cacao hữu cơ Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ xuất khẩu 1.000 thanh socola hữu cơ được sản xuất theo phương pháp thủ công vào thị trường Nhật Bản. Đây là kết quả hợp tác giữa Công ty TNHH thực phẩm Amazon với Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật Bản) và Công ty TNHH Mặt trời đỏ Vũng Tàu.
Hoạt động này đánh dấu lần đầu tiên sản phẩm chocolate hữu cơ Bapula của Bà Rịa - Vũng Tàu được phân phối độc quyền tại Nhật Bản.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang “chật vật” tìm cửa vào thị trường Nhật Bản thì đây là được xem là một điển hình mà các doanh nghiệp trong ngành cacao nói riêng và các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận thị trường Nhật Bản nói chung có thể học hỏi kinh nghiệm.
Thị trường Nhật Bản vốn được xem là một trong những thị trường xuất khẩu khó tính bậc nhất, để xuất khẩu được vào thị trường này, sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất mà ngay cả vùng nguyên liệu cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của phía đối tác Nhật Bản.
Chính vì vậy, để bảo bảo vùng nguyên liệu sản xuất socola phía Tập đoàn Cpoint Corporation và Công ty TNHH thực phẩm Amazon đã ký kết về trồng cacao hữu cơ theo công nghệ cao của Nhật Bản, với diện tích khoảng 40ha tại huyện Châu Đức, TP. Bà Rịa.
Nhận định về lý do lựa chọn sản phẩm socola hữu cơ của doanh nghiệp Việt Nam để phân phối độc quyền vào thị trường Nhật Bản, ông Hiroki Nozawa - Giám đốc Tập đoàn Cpoint Corporation cho biết: “Với sản phẩm chocolate nguyên chất, cacao trồng theo hướng hữu cơ an toàn và tốt cho sức khỏe, hướng sản xuất hữu cơ này đã đạt được những tiêu chí khắt khe của khách hàng Nhật Bản đề ra. Chính vì vậy, phía Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật Bản) đã quyết định chọn sản phẩm chocolate của Bapula để nhập khẩu vào thị trường này”.
Cũng vì tin tưởng vùng nguyên liệu socola tại Việt Nam, mà trước đó, Công ty TNHH Ca-cao Trọng Đức (Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai) đã hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản để đầu tư chế biến socola để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Được biết để đảm bảo vùng nguyên liệu, Công ty TNHH Ca-cao Trọng Đức đã liên kết với nông dân tại ba tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng phát triển vùng chuyên canh ca cao theo tiêu chuẩn UTZ.
Điểm chung để hai doanh nghiệp trên đạt được tiêu chuẩn đảm bảo và xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đó là “chịu” đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc, cùng với đó là vùng nguyên liệu ổn định.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ cơ hội và tiềm lực tài chính để đầu tư một lúc như vậy.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Cacao Xuân Ron Chợ Gạo: “thách thức lớn nhất hiện nay với Xuân Ron cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất socola khác của Việt Nam là bài toán tài chính để chuyên nghiệp hóa và mở rộng sản xuất”.
Theo đó, nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã ngỏ lời đặt hàng, thế nhưng vì sản xuất theo hướng thủ công, việc đáp ứng đơn hàng lớn với những tiêu chuẩn khắt khe của họ đòi hỏi doanh nghiệp này phải có sự đầu tư lớn về máy móc, cải tiến quy trình sản xuất.
Ngành cacao và socola Việt Nam cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp như Công ty TNHH thực phẩm Amazon, Công ty TNHH Ca-cao Trọng Đức hay Xuân Ron… đang góp phần đưa thương hiệu và quảng bá các sản phẩm “Made in Vietnam” ra ngoài thế giới ngày càng mạnh mẽ. Và trong quá trình này, thiết nghĩ doanh nghiệp rất cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn trong chính sách tiếp cận vốn…