Cơ hội từ thị trường sản phẩm hữu cơ
Doanh nghiệp đã hợp tác với các đối tác như AEON và đang thương thảo với đối tác Coop Mart để đưa sản phẩm hữu cơ vào kênh phân phối, xây dựng nên “góc” sản phẩn hữu cơ tại điểm bán.
Đó là chia sẻ của bà Phan Thuỳ Linh – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư TM & XNK Phan Nguyễn với Diễn đàn Doanh nghiệp về việc phát triển sản phẩm hữu cơ thông qua hợp tác cùng các kênh phân phối bán lẻ, chuỗi siêu thị, nhằm tận dụng cơ hội từ thị trường sản phẩm hữu cơ mặc dù non trẻ nhưng rất tiềm năng.
- Việc đưa các sản phẩm sữa hạt hữu cơ của doanh nghiệp vào hệ thống phân phối, kênh bán lẻ với đối tác trong nước và nước ngoài có gặp phải khó khăn gì, thưa bà?
Trước tiên, các sản phẩm hữu cơ phải đáp ứng được phương thức, tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ là khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ nói chung luôn hướng đến nuôi trồng thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với sản phẩm sữa hạt hữu cơ, cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ của một tổ chức pháp nhân cụ thể và được chứng nhận bởi bên thứ ba.
Cùng với xu hướng tiêu dùng hướng đến việc “sống xanh” hơn của người tiêu dùng, đòi hỏi các hệ thống siêu thị, kênh phân phối cũng phải có những sản phẩm hữu cơ, trong đó có sữa hạt hữu cơ.
Khi doanh nghiệp và các kênh phân phối cùng có một tầm nhìn chung hướng đến thị trường hữu cơ, với một bên là có sản phẩm, một bên là có kênh phân phối, cùng với việc đảm bảo chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Kết quả hợp tác là tất yếu.
Theo đó, doanh nghiệp đã đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị của AEON, và đang đàm phán với CoopMart để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị này.
Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải lại đến từ nhận thức của người tiêu dùng.
- Cụ thể khó khăn ở đây là gì, thưa bà?
Mặc dù, hiện nay đã có những nhóm đối tượng khách hàng nhận thức rất rõ được ý nghĩa của sản phẩm hữu cơ nói chung và sữa hạt hữu cơ nói riêng. Ví dụ, đối với sản phẩm sữa từ động vật, người tiêu dùng sở dụng với mong muốn đáp ứng được việc cung cấp canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ sữa từ động vật mà sữa từ hạt không những có thể cung cấp được can xi, mà còn giúp cơ thể hấp thu dễ dàng hơn, không chứa các chất độc hại, không chứa chất béo, đặc biệt là dưỡng chất gamaozizanon – một trong những loại chất chống ô xi hoá góp phần phòng ngừa ung thư. Bên cạnh đó, tỷ lệ dị ứng với sản phẩm sữa từ động vật đang có xu hướng ngày càng tăng. Những lợi điểm này không phải người tiêu dùng nào cũng nắm rõ.
Bên cạnh đó, việc nhận diện được đâu là sản phẩm hữu cơ thì không phải người tiêu dùng nào cũng có thể nhận biết được chứ chưa nói đến việc dễ dàng nhìn ra. Trừ trường hợp, với những sản phẩm hữu cơ, trên bao bì sản phẩm đã có sẵn tem chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
- Bên cạnh chất lượng thì giá cả cũng được xem là yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận của người tiêu dùng, doanh nghiệp đã xử lý yếu tố này như thế nào?
Hiện nay, doanh nghiệp đã hợp tác với đối tác đến từ Thái Lan để phân phối sản phẩm sữa hạt hữu cơ. Nếu để so sánh giá giữa các sản phẩm hữu cơ từ Thái Lan so với các nước khác có thế mạnh về sản phẩm hữu cơ từ EU hoặc Úc thì giá sản phẩm từ thị trường Thái Lan cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tác đến từ Thái Lan là doanh nghiệp đã tận dụng được thuế nhập khẩu từ thị trường Thái Lan nhờ Hiệp định tự do thương mại của các nước thành viên ASEAN. Như vậy giá của sản phẩm hữu cơ sẽ còn được cạnh tranh hơn nữa.
Tuy nhiên, với chiến lược phát triển lâu dài doanh nghiệp cũng sẽ hướng đến vùng nguyên liệu của riêng mình.
- Xin bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Hiện nay, theo khảo sát của một số doanh nghiệp bán lẻ, thì doanh thu từ các sản phẩm hữu cơ mới chỉ chiếm khoảng 0,2%, và thường xuyên có tình trạng “cháy hàng”. Ngoài ra, nhiều chuyên gia trong ngành dự báo, tiềm năng thị trường thực phẩm hữu cơ được dự báo sẽ tăng trưởng gấp 5 lần ở những năm tới.
Bản thân doanh nghiệp cũng xác định rằng, tốc độ tăng trưởng của thị trường ở giai đoạn này, chưa thể “bùng nổ” ngay tại EU hay Mỹ. Tuy nhiên, ở tầm nhìn dài hạn hơn, trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp hiện nay cũng đã có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, bằng cách đầu tư, hợp tác cùng các đối tác khác để làm ra các sản phẩm organic cho thị trường Việt Nam, Đông Nam Á và sau đó là vươn ra thế giới.