Xuất khẩu nông sản Việt (Kỳ II): Tháo gỡ "nút thắt" về tính liên kết
Điều doanh nghiệp cần là một nghiên cứu khả thi về thị trường, từ con người, dân số, mức tiêu dùng, đối tác, số lượng tiêu thụ hàng hoá hàng năm…
Ở bài trước, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Quang Thắng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare về việc mới đây, nhiều lô hàng nông sản Việt Nam vừa bị Nhật Bản, EU từ chối hoặc bị giám sát, áp lệnh kiểm tra 100%. Ông Thắng cho rằng, mối liên hệ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân chưa đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt.
Tiếp theo câu chuyện này, ông Thắng đã đưa ra các giải pháp để tháo gỡ "nút thắt" về tính liên kết này.
- Mấu chốt của việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, người nông dân và hợp tác xã là gì, thưa ông?
Thực ra bản thân doanh nghiệp cũng đang bị vướng. Một mối liên kết bền vững phải xuất phát từ mối quan hệ win – win, đôi bên cùng có lợi. Bao gồm, quyền lợi của hợp tác xã, bà con nông dân phải song hành với quyền lợi của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp không thể kiểm soát tốt được mối quan hệ này thì mối quan hệ không có tính bền vững. Có thể năm nay tốt, tốt chẳng qua là do hàng hoá đang khan hiếm, hoặc giá cả đang cao. Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ không tốt cho sang năm nếu như có vấn đề gì đó phát sinh. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra được giải pháp.
Thường thì, chúng ta đang liên kết ở giai đoạn cung cấp sản phẩm dịch vụ. Có thể là liên kết đầu vào, liên kết sản xuất, liên kết sản xuất đầu ra, tuy nhiên chúng ta đang thiếu yếu tố liên kết của chuỗi giá trị.
Chỉ khi có tính liên kết theo chuỗi giá trị, thì lúc đấy sản phẩm mới có tính giá trị cao, phần sản xuất chiếm tỷ lệ nhỏ trong việc hình thành giá của sản phẩm. Theo đó, giá trị gia tăng của các khâu khác mới cao, như bao bì, nhãn mác, công nghệ, thương hiệu, khách hàng thì chuỗi cung ứng mới phát huy được.
Khi chuỗi giá trị phát huy thì sản phẩm có được giá trị cao, khi sản phẩm có giá trị cao thì những người trong chuỗi giá trị được hưởng lợi nhiều, khi đó tính liên kết mới bền vững. Vì vậy, nếu chỉ là liên kết thuần tuý, đơn thuần cùng cung cấp sản phẩm dịch vụ hay mua bán các sản phẩm thì rất khó tạo được tính liên kết chặt, bền vững giữa doanh nghiệp, người dân, và hợp tác xã.
- Kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng được chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, người dân và hợp tác xã là như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, muốn xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ, bền vững, thì phải xuất phát từ doanh nghiệp trước tiên. Doanh nghiệp vẫn phải là đơn vị đầu mối tìm kiếm nhu cầu của thị trường. Chuỗi giá trị phải dựa trên nhu cầu của xã hội, nhu cầu đó phải xuất phát từ những thị trường mà doanh nghiệp hướng tới để xuất khẩu.
Khi đã có thị trường rồi, chúng ta quay ngược lại bài toán, chúng ta sản xuất như thế nào để đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường đó. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tập huấn người nông dân và kiểm soát tốt khâu sản xuất.
Vấn đề ở đây là, ai sẽ là người tìm ra nhu cầu. Nếu doanh nghiệp cứ tập trung hết nguồn lực vào việc đi tìm kiếm nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu thì rất khó. Trong khi, nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì rất hạn chế. Người ta phải tìm kiếm nhiều cách, dòng tiền khác để duy trì hoạt động doanh nghiệp, vì làm nông nghiệp rất rủi ro. Vì vậy, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc tìm kiếm nhu cầu thị trường sẽ lơ là việc sản xuất, đầu tư vào những khâu khác của chuỗi giá trị.
Như vậy, ai sẽ là người, đơn vị nào sẽ cung cấp những thông tin như vậy?
Bắt buộc cần phải có những tổ chức có những báo cáo về nhu cầu thị trường, cung cấp một cách cởi mở cho doanh nghiệp trong nước. Để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, tìm kiểm sản phẩm phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp, tạo ra giá trị cho sản phẩm doanh nghiệp.
- Vậy thưa ông, doanh nghiệp đang khai thác những thông tin như vậy ở đâu?
Hiện nay, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực tìm kiếm khách hàng, mà vẫn chủ yếu là vẫn phụ thuộc vào khách hàng nhỏ lẻ.
Ngoài ra, cũng chưa có tổ chức độc lập nào chuẩn hoá việc cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, mặc dù hiện nay đã có nhiều cuộc kết nối với các bên đối tác. Tuy nhiên, những buổi này vẫn chỉ dừng ở mức độ gặp gỡ nhau, chưa thể đi sâu vào được.
Trong khi đó, điều doanh nghiệp cần là một nghiên cứu khả thi về thị trường, từ con người, dân số, mức tiêu dùng, đối tác, số lượng tiêu thụ hàng hoá hàng năm… của thị trường tiềm năng. Những thông tin này phải có tổ chức cung cấp, thì khi đó, doanh nghiệp mới biết được rằng, với thị trường như vậy.
Ví dụ, mặc dù chúng ta biết rằng thị trường Úc có nhu cầu về sản phẩm xoài, tuy nhiên, doanh nghiệp không biết được rằng, hiện nay liên quan đến sản phẩm này, có bao nhiêu nhà cung cấp đang cung cấp mặt hàng này vào thị trường Úc, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu, giá cả ra sao, diện tích trồng xoài của Úc là bao nhiêu, Mexico là bao nhiêu? Nhu cầu xoài chính vụ hay trái vụ của Việt Nam sang? Tiềm năng trái cây Việt xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm xoài sang Úc là có, tuy nhiên tổng thị trường Úc là khoảng bao nhiêu, và doanh nghiệp Việt Nam có thể vào được và chiếm được bao nhiêu trong tổng số đó?
Tôi nghĩ đây là những thông tin quan trọng, cung cấp cho việc hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Xin cám ơn ông!